MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tàu đến gần, người dân vẫn cố tình cho xe vượt qua đường ray

HỮU CHÁNH LDO | 04/02/2023 14:10

Tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn qua Hà Nội hiện có rất nhiều đường ngang, lối mở dân sinh. Nhiều người vẫn cố tình cho xe vượt qua đường ray dù hệ thống đèn tín hiệu, chuông cảnh báo đã bật và barie đang được hạ xuống.

Hà Nội là một trong những địa phương có mạng lưới đường sắt lớn nhất cả nước với chiều dài khoảng 160km, trong đó có năm tuyến hướng tâm, một tuyến vành đai phía Tây. 

Đặc biệt tại huyện Thanh Trì có khoảng hơn 14km đường sắt Bắc - Nam chạy qua. Đây là một trong những điểm nóng về vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt trong nhiều năm qua.

Tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn qua Hà Nội có nhiều đường ngang, lối mở dân sinh. Ảnh: Hữu Chánh
Những lối đi này từ lâu đã trở thành điểm đen tai nạn giao thông. Ảnh: Hữu Chánh

Theo ghi nhận của Lao Động, tại một lối mở trên đường Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì), dù hệ thống đèn tín hiệu, chuông cảnh báo đã bật và barie đang được hạ xuống, thế nhưng nhiều người vẫn cố tình cho xe vượt qua đường ray, thay vì chờ đợi tàu chạy qua.

Nhân viên gác tàu tại đây cho biết, tình trạng này diễn ra thường xuyên. Dù đã tăng cường cảnh báo, nhưng ý thức của nhiều người dân vẫn còn rất kém. Thậm chí nhân viên ở đây còn phải hét lên để người dân dừng lại.

Người điều khiển xe ba gác vẫn cố tình cho xe vượt qua đường ray dù chuông cảnh báo tàu hỏa reo lên và barie đang được hạ xuống. Ảnh: Hữu Chánh
Theo quy định, trước 90 giây khi tàu đến, nhân viên phải hạ barie để người dân dừng lại chờ tàu qua. Ảnh: Hữu Chánh

Đoạn đường Ngọc Hồi dài gần 6km nhưng có hàng trăm đường ngang dân sinh, các lối đi qua đường sắt chủ yếu là tự mở, không có còi, đèn cảnh báo cũng như người trông. Việc này không phải cá biệt ở đường Ngọc Hồi mà phổ biến ở nhiều khu vực có tàu chạy qua.

Ông Nguyễn Thành Lợi (60 tuổi, huyện Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu chở hàng, chở khách nhộn nhịp di chuyển qua đây.

"Nguy hiểm nhất là ban đêm, khi đi qua đường ngang tự phát không có đèn báo, tàu chạy tốc độ đến 80km/h nhưng người dân cứ tưởng tàu còn xa hoặc đang chạy chậm nên cứ thản nhiên băng qua đường", ông Lợi nói.

Biển cảnh báo được đặt ở đường ngang. Ảnh: Hữu Chánh

Dù đã sống cạnh đường sắt hàng chục năm nay, nhưng mỗi khi có tàu chạy qua, ông Lợi cũng phải “mắt trước, mắt sau” hò hét mấy đứa cháu ngồi im trong nhà, đợi tàu đi qua mới được ra.

"Mỗi lần băng qua đường ngang không có rào chắn này, chúng tôi phải cẩn thận nhìn trước, ngó sau để đảm bảo an toàn", ông Lợi nói và cho biết ông đã rất nhiều lần cảnh báo cho các phương tiện biết được việc sắp có tàu đi qua để không băng qua đường ngang dân sinh.

Đã có không ít lần ôtô bị chết máy hay sập gầm khi vượt qua đường ray. Ảnh: Hữu Chánh
Khi cách các tuyến đường ngang vài trăm mét, tàu sẽ liên tục kéo còi để cảnh báo người dân. Ảnh: Hữu Chánh

Ông Nguyễn Hiệu (55 tuổi, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), người có hơn 30 năm kinh nghiệm lái tàu chia sẻ, đến nay ông thuộc lòng từng đường ngang dân sinh, nhưng vẫn không tránh khỏi được những sự cố tai nạn tại những khu vực này.

Ông Hiệu kể, khi cách các tuyến đường ngang vài trăm mét, ông sẽ liên tục kéo còi để cảnh báo người dân. Tuy nhiên, những xe tải, xe khách đóng cửa kín mít, mở nhạc to, gặp chỗ tầm nhìn hạn chế, tàu hú còi lâu đến mấy họ cũng không nghe.

"Do tàu đi không cố định, lại thêm nhiều đường cắt ngang nên rất nhiều người không biết khi nào tàu chạy qua, nhất là những người lần đầu di chuyển qua đường sắt, chính vì thế dễ xảy ra các vụ tai nạn đáng tiếc", ông Hiệu nói.

Khu vực đường ray trước cổng Bệnh viện Bạch Mai trở thành nơi bán hàng rong. Ảnh: Hữu Chánh
Điều này tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Ảnh: Hữu Chánh

Không chỉ vượt rào chắn, đường ray tại khu vực trước cổng Bệnh viện Bạch Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) còn bị chiếm dụng làm nơi bán hàng rong. Điều này gây ra tình trạng lộn xộn, vi phạm hành lang an toàn đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.

Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội cho biết, tai nạn liên quan đến đường sắt chủ yếu ở đường ngang, lối mở, giao cắt giữa đường bộ với đường sắt chiếm 70-80%. Trong năm 2022, TP Hà Nội xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm 7 người chết và 4 người bị thương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn