MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe taxi ngoại tỉnh tràn về Hà Nội hoạt động khiến giao thông ùn tắc (ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát).Ảnh: H.Nguyễn

Taxi ngoại tỉnh tại Hà Nội: Phải hoạt động theo quy hoạch

Đặng Tiến LDO | 26/06/2021 07:00

Thời gian gần đây, hoạt động vận tải khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều bất cập, gây bức xúc, đặc biệt là tình trạng taxi được cấp phép tại các tỉnh lân cận ồ ạt “tấn công” địa bàn Hà Nội.

Taxi ngoại tỉnh tràn về Hà Nội hoạt động

Theo đại diện Công ty CP Mai Linh Miền Bắc, dịch COVID-19 khiến tỉ lệ hành khách di chuyển bằng xe taxi giảm mạnh. Trong khi đó, lượng taxi ngoại tỉnh hoạt động nhiều ở Hà Nội gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh khiến các doanh nghiệp taxi Hà Nội khó càng thêm khó.

Trong khi đó, các doanh nghiệp taxi tại các địa phương lân cận đang có kiến nghị với Sở GTVT Hà Nội cho phép taxi được hoạt động trên 70% thời gian. Cùng đó, đại diện Taxi Goup ông Nguyễn Duy Hồng cho biết, dù các hãng đã nhiều lần kiến nghị với Hiệp hội Taxi Hà Nội, nhưng tình hình này vẫn chưa được cải thiện.

Theo ông Hồng, hiện đã có quy hoạch, nên cần phải hoạt động theo quy hoạch, nếu không sẽ phá vỡ trật tự. Vì xe taxi ngoại tỉnh vào Hà Nội hoạt động đã tạo ra nhiều bất cập trong cạnh tranh về phí, về giá, lao động… “Chúng ta hãy hình dung hoạt động vận tải taxi trên địa bàn Hà Nội hiện nay như việc nhập lậu hàng hoá, hàng nhập lậu chắc chắn sẽ rẻ hơn vì trốn thuế, phí… Do đó, sẽ làm xáo trộn, gây hỗn loạn thị trường, cần phải siết chặt và thực hiện nghiêm theo quy định” - ông Hồng cho hay.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - ông Nguyễn Công Hùng - cho biết, các doanh nghiệp vận tải hiện gặp rất nhiều khó khăn, cần phải giải quyết dứt điểm vấn đề về pháp luật. Tại Nghị định 10/2019 đã quy định rất rõ phương tiện taxi hoạt động tại địa phương nào thì phải xin cấp phép tại địa phương đó. Cũng theo ông Hùng, số lượng taxi của các địa phương hiện rất lớn, "núp bóng" tại 8 HTX và cũng chính 8 HTX này vừa qua đã gửi đơn kêu cứu lên Bộ GTVT, bản thân đã làm sai rồi giờ lại muốn hợp thức hoá các sai phạm của mình.

Ông Hùng cho rằng, muốn xử lý tận gốc vấn đề này UBND Thành phố Hà Nội phải làm việc với UBND và Sở GTVT các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hoà Bình, Hà Nam để cung cấp danh sách để từ đó rà soát lại toàn bộ phương tiện xem hoạt động ở đâu. Khi doanh nghiệp lấy phù hiệu mang về Hà Nội hoạt động thì có thực hiện nghĩa vụ thuế với địa phương không và các địa phương quản các phương tiện này như thế nào.

Tiếp đến, trách nhiệm của Bộ GTVT cũng không thể thiếu vì hiện Bộ GTVT đang quản lý dữ liệu giám sát hành trình của phương tiện, do đó cần tham gia với chính quyền địa phương giải quyết việc lợi ích nhóm, tình trạng lách luật và quy trách nhiệm cụ thể cho các Sở GTVT khi cấp phép. Bởi Nghị định 10/2019 quy định rõ, đơn vị vận tải khi đăng ký ở trên địa bàn nào phải hoạt động tối thiểu 70% ở địa bàn đó. Taxi hoạt động không phép sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh và có thể khởi tố nếu trốn thuế. Do đó, trách nhiệm kiểm soát và thực thi của cơ quan quản lý Nhà nước ra sao.

Trước kiến nghị, Trưởng phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) - ông Nguyễn Tuyển cho biết, trước kia một số doanh nghiệp vận tải lợi dụng kẽ hở của pháp luật đưa xe taxi cấp phù hiệu ngoại tỉnh vào hoạt động trên địa bàn thành phố do Hà Nội không cấp thêm phù hiệu. Tuy nhiên, việc xử lý những xe ở tỉnh ngoài đưa xe vào đã gặp những khó khăn. Sau khi Chính Phủ ban hành Nghị định 10, vấn đề này đã được khắc phục.

Sở GTVT đã báo cáo Bộ GTVT, UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các Sở GTVT các tỉnh có xe thường xuyên đưa về Hà Nội để xử lý nghiêm. Hiện nay, theo quy định tại NĐ100 các sở địa phương có quyền xử phạt những xe taxi không chạy đủ 70%. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại khi chưa có phần mềm quản lý hoạt động vận tải thì việc xử lý thủ công sẽ khó khăn khi xác định phương tiện hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Vận tải khách công cộng giảm sâu

Trong khi đó theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - ông Đào Việt Long - các đơn vị vận tải gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, khối lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa sụt giảm đáng kể. Trong tháng 5.2021, hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh chỉ đạt 47% so với tháng 4.2021 và giảm 28,7% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng xe buýt trong tháng 5.2021 tiếp tục giảm sâu (giảm 30% so với cùng kỳ năm 2020, giảm 41,5% so với thực hiện tháng 4.2021). Doanh thu tháng 5.2021 giảm 40% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 51,2% so với thực hiện tháng 4.2021.

Việc sản lượng và doanh thu sụt giảm nghiêm trọng dẫn tới nguồn thu của các đơn vị vận tải giảm sút. Tuy nhiên, các khoản chi phí lớn phải trả như: Lãi vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi, tiền lương cho người lao động và các chi phí khác đến hạn bắt buộc phải thanh toán đã gây ra nhiều áp lực. Ngoài ra, các chi phí bắt buộc liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 như trang bị dung dịch khử khuẩn, sát khuẩn tay, khẩu trang, tờ khai y tế… vẫn phải thực hiện thường xuyên.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Quyền - cũng cho hay, do phải thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp chống dịch, đặc biệt thực hiện quy định xe khách nếu được hoạt động thì số lượng hành khách được phép chở trên xe tối đa không quá 50% số ghế thiết kế; chi phí phát sinh do phải trang bị khẩu trang, sát khuẩn tay, sát khuẩn toàn bộ trên xe...

Cụ thể, xe khách chở khách tuyến cố định chỉ đạt khoảng 30% so với trước dịch, số xe nằm chờ tại bãi không hoạt động là trên 50%. Xe taxi chỉ chạy khoảng 20-30%, số km của xe hoạt động chỉ từ 100-150km (so với trước dịch bình quân trên 300km/ngày), số xe "đắp chiếu" là 70-80%.

Xe buýt sản lượng và doanh thu ước đạt 45-50% so với trước dịch. Sản lượng, doanh thu vận tải hành khách trong 6 tháng của năm 2021 chỉ đạt 20-30% so với trước dịch. Dù có doanh thu thì vẫn lỗ rất nặng vì chi phí cho những xe hoạt động không giảm theo doanh thu mà còn tăng lên do giá nhiên liệu liên tục điều chỉnh tăng đồng thời tiếp tục phải thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh.

Trước tình hình khó khăn, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam tiếp tục đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp cho các doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn