MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc hồ Ea Kao (Đắk Lắk) có nhiệm vụ cấp nước cho hơn 1.000ha nông sản của người dân TP. Buôn Ma Thuột và các vùng giáp ranh. Ảnh: Bảo Trung

Tây Nguyên: Hàng nghìn hécta hoa màu bị đe dọa do hồ đập cạn kiệt

BẢO TRUNG LDO | 10/03/2020 07:32
Tuy chỉ mới bắt đầu bước vào mùa khô nhưng đến nay, hàng loạt hồ, đập ở Tây Nguyên hiện cạn kiệt, có hồ đã không còn giọt nước nào. Hai tỉnh lớn của vùng là Gia Lai, Đắk Lắk dù đang có đến gần 1.000 công trình thủy lợi nhưng nếu trời tiếp tục không mưa và chính quyền không có những biện pháp can thiệp, sẽ rất khó “cứu” được hàng nghìn hécta hoa màu khi mùa khô hạn bước vào thời kỳ cao điểm…

Hồ, đập dần cạn kiệt

Theo Công ty (Cty) Quản lý Công trình Thủy lợi Đắk Lắk, đến đầu tháng 3, trong số hơn 300 công trình thủy lợi đơn vị này quản lý bao gồm hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, ở khắp các huyện, thị xã, thành phố thì 55 hồ ở mức nước từ 50%-70%, 29 hồ còn mức nước dưới 50% và 5 hồ đã cạn kiệt. Số lượng hồ chứa đang dần cạn kiệt tập trung chủ yếu ở các huyện Ea H’leo, Lắk… nơi tập hàng vạn hécta hoa màu của người nông dân.

Ông Trần Thế Hoan - Giám đốc Cty Quản lý Công trình Thủy lợi Đắk Lắk - cho hay, trước đó, để phục vụ cho vụ đông xuân 2019-2020, đơn vị nói trên đã cung cấp nước cho hơn 50.000ha cây trồng trong toàn tỉnh. Nhưng hiện tại, khi mới vào đầu mùa khô, nhiều hồ chứa đã cạn kiệt dần. Một số đập dâng chảy quá yếu nên không đủ cung cấp, phục vụ tưới tiêu cho người dân.

Đắk Lắk hiện có đến 605 hồ thủy lợi, dung tích hơn 600 triệu mét khối nước, nhiều nhất vùng Tây Nguyên. Nhưng chỉ khoảng 1-2 tháng tới, rất có thể hàng trăm, thậm chí nghìn hécta đất nông nghiệp trồng càphê, cao su, hồ tiêu… của dân sẽ héo khô.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Lắk, suốt nhiều tháng qua không có mưa. Dòng chảy trên các sông lớn như Krông Ana, Krông Búk thiếu hụt từ 50-70% so với trung bình nhiều năm.

Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Gia Lai cho thấy, cả tỉnh cũng có đến hơn 300 công trình thủy lợi gồm khoảng 100 hồ chứa, hơn 180 đập dâng và 42 trạm bơm với nhiệm vụ cung cấp cho khoảng 5 vạn hécta hoa màu. Nhưng hiện nay, một số đập dần cạn kiệt, lưu lượng nước ở các sống lớn trong tỉnh cũng giảm mạnh. Thiếu nước tưới trong mùa khô đang hiện hữu.

“Không thể ngồi chờ trời mưa!”

Chủ hồ Ea Kao - hồ chứa nước lớn nhất TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - cho hay, vẫn còn hơn 12 triệu mét khối nước, đủ để giúp hơn 1.200ha hoa màu của người dân thành phố và các vùng lân cận “vượt khó” trong giai đoạn căng thẳng sắp đến, nhưng phải “cân đo, đong đếm” rất nhiều. Phân bổ nguồn nước hằng ngày ở 2 con kênh tại đây một cách hợp lý nếu không sẽ rất dễ đủ trước nhưng hụt sau. Lúc này, dân trong vùng chỉ ngóng trông một trận mưa thật lớn để “giải khát” cho nông sản và cũng để cứu nguy tạm thời cho các hồ, đập ở tỉnh.

Ông Nguyễn Thành Long - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NNPTNT Đắk Lắk - nói rằng, cũng chỉ mong trời mưa vì nhiều con hồ, đập lớn ở tỉnh hiện có trữ lượng nước ở mức thấp, khó có thể cung cấp trong cả mùa khô hạn sắp đến. Tất nhiên, các địa phương cũng cần tổ chức nạo vét các cửa lấy nước trên sông, suối để lấy nước chống hạn. Chi cục cũng hướng dẫn cách khắc phục tình trạng thiếu nước ở các giếng đào, giếng khoan và các công trình để cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân. Ngoài ra, cần đắp bao tải đất tại ngưỡng tràn đập dâng để nâng cao cột nước, chống hạn. Có biện pháp chống rò rỉ nước và tiến hành tưới tiết kiệm, điều tiết hợp lý để cố gắng duy trì đến hết mùa khô.

Trước đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã phê duyệt các phương án bảo vệ, gia cố các đập, hồ chứa Thủy điện Ia Grai, Ia Grai 2… nhằm ngăn chặn các hành vi phá hoại, xử lý sự cố đập để đảm bảo an toàn cho tài sản và tính mạng của người dân vùng hạ du. Sau khi gia cố, các công trình trên phải vận hành tốt trong mùa khô hạn và cả mùa lũ lụt sắp đến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn