MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh tại buổi khám chữa bệnh từ xa. Ảnh: T.LINH

Telehealth xóa nhòa khoảng cách y tế

THÙY LINH LDO | 24/09/2020 06:18

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua, hàng loạt bệnh viện tuyến trung ương đã triển khai khám chữa bệnh từ xa (telehealth) nhằm hỗ trợ các ca bệnh khó ở tuyến dưới và đào tạo cán bộ y tế tại cơ sở theo hình thức trực tuyến. Đây có thể coi là “cuộc cách mạng” xóa nhòa khoảng cách y tế giữa các vùng miền, giữa tuyến trung ương và địa phương.

Cứu sống những ca khó mà không cần lên tuyến trên

Đến giờ, chị N.T.X (28 tuổi, Hòa Bình) vẫn không tin nổi là mình còn sống, khi vừa trải qua 3 ngày hôn mê. Ngày 3.9, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp nhận bệnh nhân X dọa sẩy thai, được chỉ định dùng thuốc điều trị phổ biến trong bệnh này nhưng đã xuất hiện các triệu chứng sốc phản vệ nặng và nguy kịch. Dù được cấp cứu theo đúng phác đồ, chị X không đáp ứng với các biện pháp điều trị, có các rối loạn nhịp tim phức tạp và tim ngừng đập.

Tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân được ép tim liên tục trong 30 phút, sốc điện nhiều lần và các biện pháp cấp cứu tích cực khác tim mới đập trở lại. Lúc này, bệnh nhân rơi vào tình trạng suy đa tạng, huyết áp rất thấp và phải phụ thuộc vào thuốc trợ tim liều cao và tiên lượng tử vong rất cao. BVĐK tỉnh Hòa Bình đã kết nối để có thể khám bệnh và hội chẩn từ xa, với các chuyên gia tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai. Nhờ có sự hội chẩn, giúp đỡ kịp thời của các chuyên gia đầu ngành, chị X được cứu sống.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các chuyên gia đã theo dõi hội chẩn 4 ca bệnh, gồm: Trường hợp bệnh nhi đau bụng chưa rõ nguyên nhân ở đảo Cô Tô, Quảng Ninh, 2 ca viêm não chưa rõ nguyên nhân ở Phú Thọ và Thái Bình, 1 bệnh nhân viêm não trên nền tay chân miệng ở Bắc Giang, qua hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) vừa được đưa vào phục vụ công tác khám, chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh cho trẻ em và đào tạo cán bộ y tế tại cơ sở theo hình thức trực tuyến.

Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương HN, chương trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa trên hệ thống Telehealth vừa được triển khai cùng 10 cơ sở răng hàm mặt thuộc 5 tỉnh Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Ninh Bình và Thái Bình, không ít bệnh nhân mắc các bệnh lý răng hàm mặt đã được hội chẩn và điều trị từ xa.

PGS.TS Trần Cao Bính - Giám đốc Bệnh viện răng hàm mặt Trung ương Hà Nội cho biết: Thông qua hệ thống Telehealth tất cả các hình ảnh siêu âm, chụp phim, X Quang... đều được truyền trực tiếp sẽ giúp quá trình chẩn đoán và điều trị dễ dàng và thuận tiện hơn. Các bác sĩ tuyến dưới sẽ được bệnh viện cử người hỗ trợ theo mô hình, 1 bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho 4 bác sĩ tuyến dưới. Mô hình khám chữa bệnh từ xa đang được triển khai trên toàn quốc hướng tới mục tiêu mọi người dân đều được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng và ngăn ngừa lây lan dịch bệnh COVID-19.

Ngày 14.9.2020, Bệnh viện E chính thức khai trương và đưa vào hoạt động Hệ thống Telehealth. Các chuyên gia Bệnh viện E tiến hành hội chẩn trực tuyến nhiều ca phẫu thuật mổ tim, phẫu thuật cột sống hay nội soi tiêu hóa... Đây đều là những chuyên khoa mũi nhọn và trở thành thương hiệu của Bệnh viện E được các đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao. Tại đầu cầu bệnh viện tuyến dưới, các bác sĩ sẽ trình bày hồ sơ bệnh án, kết quả xét nghiệm, chiếu chụp, giải phẫu bệnh (nếu có), chẩn đoán và phương hướng điều trị cho bệnh nhân… Tại đầu cầu Bệnh viện E, các chuyên gia đầu ngành sẽ hội chẩn, thảo luận cân nhắc kỹ để đưa ra chẩn đoán và phương án phẫu thuật, điều trị tốt nhất cho người bệnh.

GS.TS Lê Ngọc Thành - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, bệnh viện đã thực hiện kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa với gần 80 cơ sở y tế trong đó có 21 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, còn lại là hơn 54 bệnh viện tuyến huyện và trung tâm y tế tuyến huyện, bệnh viện tư nhân. Trong đó, có rất nhiều bệnh viện tuyến huyện vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn như Bù Đốp (Bình Phước), Mường Nhé, Mường Chà, Mường Ảng, Nầm Pồ (Điện Biên), Nầm Nhùm, Sìn Hồ, Tam Đường, Than Uyên (Lai Châu)…

GS.TS Lê Ngọc Thành cho hay, không phải bây giờ các bác sĩ Bệnh viện E mới tham gia hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh từ xa này mà đã từ nhiều năm nay, nhằm hỗ trợ các ca bệnh khó ở tuyến dưới, các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giỏi của Bệnh viện E đã thực hiện tư vấn khám, chữa bệnh, hội chẩn từ xa với các bác sĩ tuyến dưới bằng nhiều hình thức như telemedicine, qua điện thoại, zalo, viber… để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu và kịp thời nhất cho người bệnh.

Một trong những cơ sở y tế đi đầu trong khám chữa bệnh từ xa là Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với hàng loạt buổi khám chữa bệnh từ xa được tổ chức thường xuyên, liên tục. Các bệnh viện tuyến trung ương khác như bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Bạch Mai cũng đã trở thành những “đầu tàu” hỗ trợ y tế tuyến dưới qua telehealth.

Nâng cao năng lực tuyến dưới, lan tỏa chuyên môn sâu

Hiện Bộ Y tế đang chủ trương đẩy mạnh telehealth tại các cơ sở y tế trên cả nước. GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, trước kia có nhiều ca cấp cứu xảy ra trong đêm, tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới còn nhiều khó khăn, với đề án khám chữa bệnh từ xa này, các cơ sở y tế kết nối với nhau đã khắc phục được những hạn chế trên. Với đề án này, các bệnh viện tuyến trung ương sẽ hỗ trợ tới tuyến huyện, xã để người dân được hưởng những dịch vụ y tế, được chẩn đoán tốt hơn. Việc triển khai hệ thống khám, chữa bệnh từ xa trong lĩnh vực nhi khoa là bước phát triển mới hướng tới sự đồng bộ, hoàn thiện hệ thống khám, chữa và phòng bệnh đa dạng của các bệnh viện tuyến trên.

Bộ Y tế rất mong muốn các BV tuyến Trung ương không chỉ hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh, đào tạo bác sĩ tuyến tỉnh mà còn trực tiếp hỗ trợ các bác sĩ tuyến huyện và tuyến xã, để hạn chế người bệnh đi lại mất thời gian, kinh tế.

Trong giai đoạn 2020-2025, cả nước sẽ có hơn 27 BV Trung ương tham gia hỗ trợ cho hơn 1.000 cơ sở y tế trên cả nước (bao gồm cả cơ sở tư nhân và nhà nước) về chuyên môn. Đặc biệt, Quyền Bộ trưởng cũng mong muốn làm sao để các cơ sở tuyến dưới thường xuyên được các BV tuyến trên hỗ trợ. Hằng ngày, BV Trung ương cũng phải có những chia sẻ, thuyết trình về các ca bệnh mà BV đã nối mạng.

“Các cơ sở tuyến dưới phải được hỗ trợ về chuyên môn khi cần vào bất kỳ thời điểm nào, nghĩa là các BV Trung ương phải có phân công trực hệ thống Telehealth, để khi các cơ sở cần thì có thể trực tiếp hỗ trợ ngay lập tức”, Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.

Quyền Bộ trưởng cũng đặt tham vọng, thời gian tới, ngành Y tế sẽ nỗ lực thực hiện mô hình 1 bác sĩ tuyến trên sẽ hỗ trợ 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 nhân viên tuyến huyện và 2 nhân viên tuyến cơ sở, tức là 1 bác sĩ tuyến Trung ương, hỗ trợ được 10 bác sĩ và nhân viên tuyến dưới tư vấn về chẩn đoán và điều trị...

“Tháng 10 tới đây, hệ thống mạng lưới này sẽ được khai trương để các nhân viên y tế được hỗ trợ nhau, các bác sĩ tuyến trên sẽ bảo trợ cho hoạt động tuyến dưới. Tiếp sau đó, chúng tôi sẽ triển khai hệ thống kết nối giữa nhân viên y tế với người dân trên toàn quốc” - ông Long thông tin.

Đề án Khám chữa bệnh từ xa năm 2020-2025 của Bộ Y tế đã về đích trước 4 ngày và vượt 5 điểm so với mục tiêu hoàn thành kết nối 1.000 điểm trước ngày 15.9.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn