MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường tặng đàn ghi ta dịp Tết cho cán bộ, công nhân viên trên công trình ngoài biển của Vietsovpetro. Ảnh: H.L

Tết của những người không có tết

Nguyên Anh Chi LDO | 09/02/2019 09:48
Tết Nguyên đán là dịp để sum vầy, con cái về với cha mẹ, vợ chồng đoàn tụ, anh chị em thăm nhau. Nhưng có những người vì đã không được hưởng không khí sum họp khi Tết đến Xuân về. Bởi, họ vẫn miệt mài ở những giàn khoan ngoài biển và có những người, nơi làm việc ngay trong thành phố cũng không thể về đón Tết bên người thân để đảm bảo việc ứng trực.

Trong 26 năm công tác có 13 năm làm việc ngày Tết

 Anh Nguyễn Mạnh Hùng, công tác tại giàn Công nghệ trung tâm số 3, Xí nghiệp Khai thác Dầu khí (Vietsovpetro) vẫn nhớ về cái Tết đầu tiên trên biển. Khi ấy, giữa biển bao la, tâm trạng không tả xiết được vì buồn và có phần tủi thân. Nhưng rồi những năm sau, khi ca làm rơi đúng vào Tết, anh Hùng cũng quen dần, cho đến nay trong 26 năm làm việc thì có đến 13 cái Tết anh Hùng không có mặt bên người thân.

Anh Hùng kể, những năm trước đây, vào giao thừa, trên giàn lại được nghe lời chúc Tết của lãnh đạo Xí  nghiệp. Giờ, có sóng điện thoại di động nên khoảng cách giữa giàn khoan và đất  liền được kéo gần lại.

Giàn nơi anh Hùng làm việc một ca làm việc có khoảng trên 80 người, đi theo ca 3 tuần trên biển – 3 tuần vào đất liền. Tết năm nào, lãnh đạo xí nghiệp và Công đoàn đơn vị, Công đoàn cấp trên cũng chăm lo chu đáo cả về vật chất và tinh thần cho lực lượng lao động trên các công trình biển cũng như các đơn vị vẫn làm việc thời gian cả nước nghỉ Tết.

Hỏi Hùng: “Cứ 2 năm lại có một Tết xa nhà, vợ con có ý kiến gì không?, Hùng cười hiền lành: “Lúc đầu vợ và con cùng buồn, nhưng nếu mình không đi ca Tết ngoài biển thì người khác phải đi”…

Trong ngành Dầu khí, riêng Vietsovpetro có hơn 50 công trình biển, lực lượng làm việc tại đây dịp Tết khoảng 1.300 người.

Có “mỗi” 41 năm công tác trong ngành thoát nước Hà Nội, anh Lê Mạnh Cường (tổ rác 1, Xí nghiệp thoát nước 4, Cty TNHH MTV thoát nước Hà Nội) cũng đã có nhiều năm liền trong dịp Tết Nguyên đán ứng trực tại hiện trường (các dòng sông thuộc quận Đống Đa, một phần quận Hoàng Mai và Thanh Xuân).

Anh Cường tâm sự: “Tết Nguyên đán hằng năm lãnh đạo đơn vị đều huy động 50% CBCNV ứng trực tại cơ quan và hiện trường. Để người dân đón Tết vui tươi, sạch sẽ, anh chị em ngành môi trường (thoát nước, Urenco) đều hy sinh niềm vui của bản thân. Khi mọi người xúng xính quần áo đẹp, đầu tóc thơm tho sạch sẽ thì chúng tôi lại chui xuống cống ngầm, ngụp lặn trên sông để thu dọn rác, khơi thông dòng chảy.

Nhiều lúc, anh chị em còn bị kim tiêm, sắt vụn, đâm, cứa vào thân thể. Vừa đau, vừa buốt, nguy cơ nhiễm trùng và mắc bệnh rất cao… Những lúc đó, chúng tôi cũng cắn răng chịu đựng và nghĩ tới những điều lạc quan. Bởi “nghề” đã chọn chúng tôi”.

Cũng vì gắn bó hơn nửa đời người với cống, rác rồi nên dường như anh Cường không còn cảm giác chạnh lòng nữa. Một phần cũng vì đồng hành cùng anh và đồng nghiệp còn có lãnh đạo xí nghiệp, cán bộ Công đoàn.

Những dịp như thế, tại Xí nghiệp, đều có bánh mứt kẹo, bánh chưng, trà sữa cung cấp đầy đủ cho anh chị em. Còn đối với gia đình, do đặc thù công việc nên bà xã và con cũng thông cảm. “Sau những ngày Tết, tôi sẽ có những “khoản” khác để bù cho vợ, con” - anh Cường hóm hỉnh nói.

Đón tết nơi đất khách quê người

Không ít đơn vị đang thi công các công trình ở nước ngoài nên người lao động cũng đón Tết nơi đất khách quê người. Anh Đỗ Viết Thoại, sinh năm 1974, là CN Cty Sông Đà 5, đang làm việc tại công trình thủy điện Nậm Nghiệp 1 (Lào). Anh Thoại đã sang làm việc nơi đất khách quê người được 3 năm. Năm đầu tiên anh được phân công ở lại làm Tết. Đã nhiều lần đón Tết xa nhà, nhưng đón Tết ở một nước khác là một trải nghiệm mới lạ đối với anh.

“Dù đón Tết ở nơi xa thì chúng tôi cũng cố gắng mang về cho mình một không khí đậm cổ truyền, dân tộc. Những ngày Tết, phòng trọ nơi chúng tôi ở không thể thiếu cành mai, hoặc cành đào. Mâm cỗ cũng đầy đủ như là ở nhà. Nhiều anh em bỏ công đi mua đồ để gói bánh chưng. Ở nơi chúng tôi sống, người Việt đi theo để buôn bán khá nhiều, nên chúng tôi không thiếu thốn đồ ăn quê nhà. Cái thiếu thốn chỉ là cảnh quây quần bên gia đình để đón chờ giờ phút giao thừa thiêng liêng mà thôi” -  anh Thoại tâm sự.

Vào đêm giao thừa, sau những phút giây chung vui cùng anh em, trở về phòng, chìm trong suy tư riêng, trong anh lại dâng lên nỗi nhớ vợ con, nhớ lại những cái Tết quây quần cùng vợ con. Anh cũng không dám gọi điện thoại video nhiều, bởi lẽ lúc đấy, vợ và con anh đã đi ngủ để sớm mai còn đi Tết. Bình thường, đây là cách tiết kiệm nhất để anh có thể thường xuyên được gặp vợ và 4 đứa con của mình đang ở quê Thanh Hóa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn