MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tắm biển là một trong những tục được người dân ở Nha Trang - Khánh Hoà duy trì trong dịp Tết Đoan Ngọ. Ảnh: P.Linh

Tết Đoan Ngọ, người dân Nha Trang canh đến 12h để đi tắm biển

Phương Linh LDO | 10/06/2024 15:16

Đã thành tục lệ ngày Tết Đoan Ngọ, người dân TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa lại canh 12h trưa để đi tắm biển với mong muốn có được sức khỏe.

Thời tiết Tết Đoan Ngọ ngày 10.6 (tức 5.5 âm lịch) tại thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) năm nay khá thuận lợi. Từ 11h trời dịu mát nên người dân ở khắp nơi tìm đến biển Nha Trang tắm trưa.

Từ 10h30, bà Nguyễn Thị Út (60 tuổi) chạy xe máy từ huyện Diên Khánh xuống bãi biển đối diện Tháp Trầm Hương để tắm biển ngày Tết Đoan Ngọ.

Ngày Tết Đoan Ngọ, bà Nguyễn Thị Út (trú huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) canh đúng giờ Ngọ để tắm biển. Ảnh:P.Linh

Bà Út cho biết: "Không biết từ khi nào nhưng từ đời ông bà, bố mẹ, năm nào Tết Đoan Ngọ, tôi cùng gia đình đều chạy hơn 10km từ huyện Diên Khánh xuống TP Nha Trang để tắm biển. Mà phải xuống tắm biển đúng vào giờ Ngọ -12h trưa là tốt nhất”

Theo bà Út, ý nghĩa tắm biển lúc 12h trưa ngày Tết Đoan Ngọ là để cuốn trôi hết bệnh tật trong người, giúp có sức khỏe tốt hơn.

Nhiều gia đình đổ ra biển Nha Trang giữa trưa ngày Tết Đoan Ngọ để tắm. Ảnh: P.Linh

Cũng duy trì tục tắm biển giữa trưa ngày Tết Đoan Ngọ, ông Nguyễn Văn Hùng cùng gia đình 5 người từ xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang, chạy xe máy đến bờ biển Nha Trang, khu vực biển đối diện số 42 đường Trần Phú trước giờ Ngọ.

“Gia đình tôi năm nào ngày này cũng đi. Đến đây lúc 12h kém 15, chờ đến 12h thì xuống tắm biển. Năm nay đúng giờ Ngọ, trời dịu mát, nước ấm nên bà con đi tắm cũng thấy phấn khởi hơn. Tắm biển ngày 5.5 như ông bà xưa dặn lại vừa là diệt sâu bọ, vừa để gột rửa hết bệnh tật trong người, để cho con người mình sạch sẽ hơn” - ông Hùng chia sẻ.

Với nhiều người, giờ Ngọ ngày 5.5 âm lịch là giờ tốt nhất để tắm biển. Ảnh: P.Linh

Với nhiều người, giờ Ngọ ngày 5.5 âm lịch là giờ tốt nhất để tắm biển, tuy nhiên cùng với thời gian, tục này cũng được người dân duy trì phù hợp theo thời gian của mình.

Ông Minh - người giữ xe tại Công viên bờ biển Nha Trang - nói: “Từ 12h đến 17h ngày 5.5 âm lịch hàng năm, lúc nào bãi biển Nha Trang cũng đông nghịt người đi tắm biển. Hàng năm, chúng tôi phải bố trí thêm 2-3 người, sắp xếp xe cộ để phục vụ bà con. Nhiều người ở các huyện cũng đánh xe ôtô xuống đây để tắm biển ngày Tết Đoan Ngọ”.

Còn với nhiều bạn trẻ, chia sẻ về việc đi tắm biển ngày Tết Đoan Ngọ, Nguyễn Thụy Anh (20 tuổi, trú phường Phước Long) cho hay: "Tuy không tin sẽ trôi hết bệnh tật nhưng tôi cũng đi với gia đình để trải nghiệm cảm giác tắm biển giữa trưa, cũng lưu lại vài hình ảnh ngày này cùng với gia đình".

Cùng với tục tắm biển giờ Ngọ, ngày Tết Đoan Ngọ với người dân Khánh Hòa cũng không thể thiếu được mâm ngũ quả, cơm rượu nếp, bánh tro, bánh ít, xôi chè… Từ sớm chợ Xóm Mới, TP. Nha Trang những hàng xôi, chè đã tấp nập người mua bán.

Các cửa hàng bán đồ cúng Tết Đoan Ngọc ở chợ Xóm Mới, TP Nha Trang bày bán món cơm rượu. Ảnh: P.Linh
Bánh tro, cơm rượu là 2 món cũng không thể thiếu trong mâm cúng của người dân Khánh Hòa dịp Tết Đoan Ngọ. Ảnh: P.Linh

Giá cả các mặt hàng phục vụ cúng Tết Đoan Ngọ không tăng so với các ngày lễ. Món bán chạy nhất dịp này là cơm rượu, bánh tro, bánh ít.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn