MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội trang hoàng rực rỡ cờ hoa chào mừng Quốc khánh 2.9. Ảnh: Phạm Đông

Tết Độc lập trong ký ức của những người dân Hà Nội

Phạm Đông - Thu Hiền LDO | 01/09/2022 22:13

Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân tại quảng trường Ba Đình lịch sử. Từ đấy, dù trong hoàn cảnh nào, ngày 2.9, ngày Quốc khánh cũng được mỗi người dân nước Việt nhớ về với những kỷ niệm không thể nào quên!

Nhớ về mùa thu lịch sử

Năm nay, cùng với đồng bào cả nước, Hà Nội đón mừng Lễ Quốc khánh trong một điều kiện bình thường bởi đã kiểm soát được dịch COVID-19. 

Chị Đàm Thị Hồng Vân, 19 tuổi (Trần Thái Tông, quận Cầu giấy) chia sẻ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngày Quốc khánh luôn là một sự kiện trọng đại của lịch sử Việt Nam và thực sự ý nghĩa đối với mỗi người dân.

“Tôi thấy mùng 2.9 là một dịp hết sức ý nghĩa và quan trọng đối với tất cả người dân chúng ta, ngày khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, cũng là một ngày để ta nhớ đến công ơn giữ nước của ông cha ta. Tôi thấy khắp phố phường được trang hoàng rất đẹp, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, băng rôn, khẩu hiệu khắp các con đường” - chị Vân nói.

Là người sống ở Hà Nội từ bé, bà Trần Thị Vân, 91 tuổi (ở phố Lò Sũ, quận Hoàn Kiếm) cho biết, thường ngày bà hay đi bộ một vòng hồ Hoàn Kiếm để tập thể dục và ngắm đường phố.

Hôm nay cũng như thường lệ bà lại đi bộ dạo khắp bờ hồ, thêm nữa là để tận hưởng không khí trước ngày Tết Độc lập vì thấy rất hào hứng và phấn khởi khi ngày 2.9 sắp tới. Nhiều người Hà Nội, nhất là những người lớn tuổi, có những ký ức đẹp về ngày Quốc khánh đã trải qua và khi tờ lịch được mở ra, nhiều ký ức sẽ hiện về với họ. 

Bà Vân luôn tự hào về Hà Nội, cũng như thấy thật vinh dự khi thành phố là nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Những ngày này, khắp phố phường Hà Nội rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu. Còn người dân nô nức thi đua lao động sản xuất để chào đón ngày lễ quan trọng này và cũng chuẩn bị để nghỉ ngơi 4 ngày.

Bản thân bà thấy rất vui vì năm trước dịch COVID-19 nên không cảm nhận không khí ngày Quốc khánh như năm nay.

Theo bà, thời gian đang đưa đến rất gần dấu mốc đất nước tròn 77 năm ngày Quốc khánh 2.9, cứ mỗi mùa thu tháng Tám, cứ mỗi khi đến Tết Độc lập, bà Vân và những người hàng xóm của mình vẫn không khỏi bồi hồi nhắc nhớ cho nhau về nguồn cội, về giá trị của hòa bình về lịch sử hào hùng của dân tộc. Bởi bà là những người suốt 77 năm qua lưu giữ nguyên vẹn những kỷ niệm về ngày Tết Độc lập đầu tiên nên có một niềm tự hào, xúc động mỗi khi mùa thu cách mạng lại về.

Với riêng bà, cái giây phút được tận hưởng không khí của quê hương, đất nước trong những ngày Quốc khánh đang đến gần, càng trào dâng sự xúc động, tự hào về Tổ quốc thiêng liêng.

Một Hà Nội thân thiện, vững bước đi lên

Là hai người gốc Hà Nội sống ở nhà số 6 Lê Thái Tổ, từ thời niên thiếu, ông Lê Đình Tú (76 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hòa (68 tuổi) đã phải xa Hà Nội vào Sài Gòn sống và lập nghiệp. Sắp tới nhân ngày lễ 2.9 nên hai ông, bà đã cùng nhau ra Hà Nội để thăm lại nhà cũng như bạn bè mình.

Mới ra Hà Nội được 3 ngày, hai ông bà đã tranh thủ đi bộ để ngắm nhìn phố phường. Thấy khắp các con phố đều treo cờ hoa, trang hoàng, mọi người thì thân thiện nên bà lại cảm nhận được không khí náo nhiệt, nhộn nhịp.

“Cũng là người Hà Nội chính gốc nên tôi rất nhớ Thủ đô và cũng nhân ngày 2.9 ra đây chơi với bạn bè, tiện thể tận hưởng không khí ngày lễ ở Hà Nội đến mùng 6.9 tôi mới về lại TPHCM” - ông Tú và bà Hòa thấy phấn khởi và xúc động khi được quay lại Hà Nội sau hàng chục năm xa cách.

Tại các tuyến phố Thủ đô Hà Nội được trang hoàng cờ hoa, tranh cổ động, biểu ngữ, băng rôn chào mừng kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 2.9. Công tác trang trí được thực hiện trên các tuyến phố và chủ yếu tập trung một số điểm có ý nghĩa lịch sử lớn tại khu vực Nhà hát lớn, khu vực Ba Đình lịch sử.

Hơn ai hết, mọi người hiểu rằng, đón Quốc khánh một cách trang trọng không chỉ là những hoạt động bề nổi bên ngoài mà trong sâu thẳm, họ luôn trân trọng lịch sử, nhớ về thời khắc Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, nhớ đến hình ảnh hàng vạn đồng bào reo vui khi nước Việt Nam chính thức được khai sinh và sự hy sinh của rất nhiều anh hùng, liệt sĩ. Trân trọng quá khứ sẽ tin tưởng vào hiện tại và tương lai. 

Tặng hàng nghìn suất quà cho người có công dịp Tết Độc lập

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh, Hà Nội sẽ tặng 3.475 suất quà đến các đối tượng người có công trên địa bàn với tổng kinh phí là 3,566 tỉ đồng từ nguồn ngân sách quận, huyện, thị xã. Ngoài quà tặng của thành phố, các địa phương, tùy vào điều kiện và khả năng thực tế, có thể có các cơ chế chính sách hỗ trợ, tặng quà các gia đình người có công khó khăn trên địa bàn quản lý.

Quan tâm đến người có công với cách mạng nhân dịp Quốc khánh là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, được Thành phố duy trì thường niên nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là để góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội, tô đẹp thêm truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” ở Thủ đô.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn