MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tết gần kề, người chạy xe ôm công nghệ chật vật mưu sinh

TÚ LY LDO | 17/12/2023 21:06

TPHCM – Cách đây vài năm, các ứng dụng xe công nghệ là mảnh đất màu mỡ và phù hợp với nhiều người vì độ linh động và mức thu nhập ổn định. Nhưng hiện nay, để kiếm được chi phí trang trải cuộc sống cơ bản, người chạy xe phải làm việc cật lực mỗi ngày mới may mắn đủ sống.

Dưới cái nắng nóng hơn 32 độ của TPHCM những ngày qua, anh Lê Quốc Hưng (Quận 12, TPHCM), vội tấp vào lề đường dưới một bóng cây để tạm nghỉ ngơi sau khoảng 3 tiếng chạy xe ngoài đường đón khách. Với anh Hưng dù mệt mỏi cũng không dám nghỉ ngày nào, vì hiện chạy xe công nghệ là nghề chính của anh.

This browser does not support the video element.

“Trước kia, tôi từ quê ở miền Bắc vào TPHCM làm công nhân, dịch bệnh bùng phát nên nghỉ từ đó đến giờ chạy xe ôm. Ngày nào sức khoẻ tốt chạy 12 tiếng, yếu mệt hơn thì 8 tiếng, thu nhập từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng mỗi ngày. Tôi cũng tính hết năm nay sẽ kiếm việc khác làm vì có quá nhiều ứng dụng chạy xe xuất hiện, nhiều người thất nghiệp rồi không biết làm gì nên phần lớn đăng ký chạy xe công nghệ, cạnh tranh cao”, anh Hưng chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Hồng Sơn (huyện Nhà Bè, TPHCM) chạy xe ôm công nghệ từ năm 2017 đến nay. Theo anh Sơn, những năm đầu tham gia chạy xe công nghệ nếu chịu khó mỗi ngày có thể kiếm được khoảng 1 triệu đồng, còn hiện nay nếu chăm chỉ chạy hơn 11 tiếng mỗi ngày cũng chỉ được 300-400 nghìn đồng.

“Tôi may mắn hơn nhiều anh em chạy xe công nghệ khác là có nhà cửa ở TPHCM, chạy xe chỉ để kiếm thêm chút tiền mua cơm cháo cho gia đình. Còn anh em nào phải thuê trọ thì với mức cạnh tranh cao như hiện nay, cuộc sống vất vả hơn nhiều”, anh Sơn tâm sự.

Từ thời điểm bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, các hãng xe công nghệ thu hút sự quan tâm của một lực lượng lớn người lao động với đủ lứa tuổi. Thủ tục đăng ký đơn giản, không yêu cầu bằng cấp, thời gian làm việc tự do, không gò bó cùng thu nhập ở mức trung bình khá là những yếu tố từng khiến nhiều người lao động sẵn sàng từ bỏ công việc chuyên ngành để trở thành tài xế xe công nghệ.

Ông Phạm Mi Sên - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn xe ôm công nghệ quận Bình Tân, TPHCM đã từng chia sẻ tại buổi báo cáo đánh giá điều kiện làm việc của lao động vào tháng 10.2013, rằng các nhà máy giảm lao động, công nhân mất việc chuyển sang chạy xe ôm công nghệ nên lực lượng tài xế rất đông. Nhiều đến nỗi các hãng trì hoãn nhận tài xế mới. Nhiều người đăng ký chờ hai tháng mà chưa được mở tài khoản hoạt động. Vì nguồn cung lao động quá dồi dào nên hãng quay ra siết các quy định khiến tài xế rất dễ bị khóa tài khoản. Tài xế bị khách hàng phàn nàn hai lần sẽ bị tạm đình chỉ, ba lần cắt vĩnh viễn.

“Khi một người trở thành tài xế tức chúng tôi vừa mất khách hàng vừa bị cạnh tranh cuốc xe", ông Sên nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn