MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đàn lợn trong tranh Đông Hồ.

Tết Kỷ Hợi kể chuyện về con lợn: Vì sao nói “sướng như heo?”

Bích Hà LDO | 05/02/2019 08:57

Trong dân gian vẫn đang lưu truyền câu nói "sung sướng, nhàn nhã như heo", "vô tư, không lo nghĩ như lợn". Vậy vì sao hình ảnh con lợn lại gắn sự sung sướng, nhàn nhã?

Lợn là biểu tượng của may mắn

Theo TS Trần Hữu Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng, con lợn vốn là một loài vật nuôi rất quen thuộc của các gia đình nông dân Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước. Loài vật này suốt ngày quanh quẩn ở góc vườn, chỉ biết ăn và ngủ, nên mới có câu "sướng như heo".

Theo nghiên cứu của TS Sơn, trong văn hóa dân gian, con lợn được xem là vật tổ, có những truyền thuyết nói về con lợn cứu người, lợn giúp họ tìm ra nguồn nước để uống, trồng trọt chăn nuôi thoát khỏi cảnh đói khát.

Trong tranh Đông Hồ, hình tượng con lợn hiện lên vô cùng sống động. Bao giờ cũng thấy một con lợn đủng đỉnh hoặc một đàn lợn đông đúc biểu tượng cho sự no ấm, được mùa, sự sum vầy.

Dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện Trạng Lợn nổi tiếng. Hình tượng Trạng Lợn tượng trưng cho sự may mắn, thuận lợi, làm cái gì cũng được dễ dàng.

Theo quan niệm phong thủy, tuổi Hợi là tuổi “làm chơi ăn thật”. Nên người ta có câu: “Anh tuổi Hợi, tuổi Mùi, tôi ngậm ngùi tuổi Thân”. Ý những người sinh con giáp là lợn, dê sẽ rất thuận lợi.

 

Nhiều nền văn hóa trên thế giới cũng có quan niệm con lợn tượng trưng cho sự may mắn. Cụ thể, văn hóa Trung Quốc quan niệm lợn là biểu tượng của sự chân thành, trung thực. Trong phong thủy, những vật phẩm hình con lợn sẽ đem đến sự may mắn, thịnh vượng và giàu có.

Đối với người Ai Cập cổ đại, con lợn (đặc biệt là lợn cái) cũng là biểu tượng sinh sản và giàu có.

“Ông lợn” được cho ăn cháo gạo nếp, mắc màn khi đi ngủ

Ngoài là biểu tượng của sự may mắn, con lợn còn là vật cúng quan trọng trong các nghi lễ đầu năm, lễ ăn hỏi, lễ cưới.

Trong các mâm cỗ cúng, nếu con gà biểu tượng cho sự trang trọng, thì con lợn thể hiện tính cộng đồng.

Theo TS Trần Hữu Sơn, khi con lợn được chọn làm đồ cúng, người dân phải nuôi riêng một thời gian. Hàng ngày tắm rửa cho lợn, cho ăn chế độ riêng. Lúc này, lợn được người dân gọi "ông lợn", "ông ỉn".

Ở xã La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) hiện nay, người dân còn tổ chức lễ hội rước ông lợn để tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6, đã có công đánh giặc giữ vững bờ cõi.

Lễ hội rước ông lợn ở La Phù. Ảnh: Đạt Lê. 

Lễ hội được tổ chức vào đêm 13 rạng sáng 14 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm. Con lợn được chọn để rước lễ sẽ có một chế độ chăm sóc đặc biệt.

Theo đó, lợn được cho ăn các thức ăn tự nhiên, bao gồm cám gạo sạch, cùng với rau xanh rửa sạch nấu thành cháo, không có chất tăng trọng. Chủ nuôi đối xử với “ông lợn” như người nhà.

Trong thời gian hè, các “ông lợn” được tắm ngày vài lần để  khỏi nóng. Mùa đông đến phải được sưởi ấm và tắm bằng nước ấm. Khi gần đến thời gian tổ chức lễ hội, người được giao nhiệm vụ nuôi lợn phải mắc màn cho lợn ngủ để làn da các “ông lợn” không bị đỏ và cho lợn ăn bằng cháo gạo nếp.

Khi diễn ra lễ hội, người dân làng La Phù sẽ rước “ông lợn”, sau đó tổ chức giết thịt để tế thần. Thịt lợn cũng chia về cho từng gia đình trong làng, để cầu một năm mới bình an, may mắn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn