MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe giới thiệu về hình thành mạng xã hội trong nước. Ảnh: T.C

Thách thức lớn nhất là người dùng!

THẾ LÂM LDO | 20/07/2019 06:51

Hơn 10 năm trước, vào khoảng từ 2007 - 2009, thị trường Việt Nam bùng nổ mạng xã hội (MXH) như Yobanbe, Yume, Tầm Tay, Zing Me, Yahoo!360, Cyworld... của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên kể từ khi Facebook xâm nhập thị trường Việt Nam và lớn mạnh, các MXH có mặt tại Việt Nam trước đó dần “dẹp tiệm”.

Từng làm, nhưng chưa thành công...

Có thể nói tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã từng khá năng động đầu tư vào MXH, thậm chí còn tạo ra một phong trào rộng lớn. Sau khi những MXH như Yobanbe, Yume, Tầm Tay, Yahoo!360 thất bại, năm 2010, một dự án MXH quy mô lớn nhất từ trước cho tới thời điểm đó là Go.vn đã được nhà nước hậu thuẫn phát triển với mong muốn sẽ cạnh tranh và thay thế Facebook.

Thậm chí một vị đại diện của doanh nghiệp nhà nước được giao xây dựng, triển khai và vận hành Go.vn từng tuyên bố rằng “nếu không vượt qua Facebook trong thời điểm này thì có thể coi dự án Go.vn đã thất bại”. Khi đó, Go.vn đặt mục tiêu sau 6 tháng ra mắt có 5 triệu người dùng trong khi Facebook mới có 400 triệu người dùng trên toàn cầu và vừa mới đặt chân vào Việt Nam chưa lâu với khoảng 2 triệu người dùng. Tuy nhiên cuối cùng, Go.vn đã chết yểu cùng với những tốn kém trong đầu tư không được công bố.

Trước khi Go.vn ra đời, MXH Zing Me của VNG đã thắng thế so với Yahoo!360 và trở thành “sân chơi” lớn nhất của giới trẻ tuổi teen và thanh niên, sinh viên với đỉnh điểm công bố là hơn 5 triệu người dùng. Phía sau Zing Me là VNG có đầy đủ nguồn lực về đội ngũ công nghệ, tài chính và chuyên môn marketing thu hút người dùng. Tuy nhiên cuối cùng, VNG đã sớm nhận ra khó đấu với Facebook nên chủ động chuyển hướng sang phát triển nền tảng ứng dụng di động OTT là Zalo.

Thách thức ngày càng lớn

Anh Vũ Thanh Long, một người có kinh nghiệm xây dựng mạng xã hội và hiện là giám đốc ứng dụng eDoctor cho rằng: “Để làm MXH tạm chia ra thành hai phần. Một là phần xây, có thể làm được với các tính năng giống với Facebook hay các MXH khác như Zing Me từng làm được. Tuy nhiên đến phần vận hành, hoạt động thì lại là một thách thức quá lớn. Khó khăn lớn nhất không hẳn là thu hút người dùng mà là giữ được họ ở lại. MXH không giữ chân được người dùng thì cũng như không”. Anh Long đưa ra trường hợp: Google có đủ nguồn lực về công nghệ kỹ thuật, có lắm tiền, có một hệ sinh thái Internet gần như số 1 toàn cầu theo đó cũng đã có sẵn hàng tỉ người dùng, thế nhưng khi làm MXH để cạnh tranh với Facebook vẫn không thành công. Gần đây nhất, Google đã phải tuyên bố dẹp bỏ MXH Google+ đã được không ít người dùng Việt biết tới.

Nhà báo kỳ cựu chuyên về công nghệ Phạm Hồng Phước bày tỏ thẳng: “Dứt khoát không nên dùng tiền thuế của dân để làm MXH vì nếu như vậy sẽ gây phản ứng. Cách tốt nhất nếu làm MXH, Nhà nước không nên tham gia cụ thể vào dự án mà chỉ nên ban hành các chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp làm, và cũng không nên tuyên bố cạnh tranh hay thay thế ai cả. Một khi doanh nghiệp làm tốt, dần thu hút được người dùng và có phương án kinh doanh tạo ra nguồn thu thì sẽ duy trì được MXH, thu hút được thêm người dùng mới đồng thời cũng giữ chân được người dùng hiện hữu”. Tuy nhiên, ông Phước cũng chỉ ra một vấn đề hóc búa là người dùng MXH Việt Nam liệu có tương tác được với người dùng các MXH quốc tế khác hay không thì mới tăng được tính tiện ích kết nối, giao lưu để giữ chân người dùng bền vững hơn.

Một trong những mô hình đang được nhiều người có kinh nghiệm trong lĩnh vực nội dung số khuyến nghị là nên xây dựng và phát triển các MXH chuyên biệt cho từng lĩnh vực thay vì dạng đại chúng, tổng hợp như Zing Me, Facebook. Sau đó, các MXH chuyên biệt tại Việt Nam kết nối lại với nhau vừa tạo ra một cộng đồng rộng lớn hơn gấp nhiều lần và các MXH chuyên biệt cũng chính là hệ sinh thái của nhau, cùng với đó là triển khai chiến lược thương mại hóa sớm nhất có thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn