MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Ngô Đông Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình (đi đầu) tham gia động thổ một trong số các dự án thuộc KCN Liên Hà Thái. Ảnh: H.Minh

Thái Bình chạy đà trên hành trình “ly nông bất ly hương”

Huy Minh LDO | 21/02/2022 14:54

Trong một ngày đầu xuân rất đẹp theo văn hóa phương Đông và nhiều năm mới có một lần: Ngày Nhâm Dần, tháng Nhâm Dần, năm Nhâm Dần (18.2.2022 dương lịch), Thái Bình đã khởi công, động thổ 5 dự án, công trình lớn. Đây là việc chưa từng có trên quê lúa, đánh dấu bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình.

KHỞI CÔNG ĐỒNG LOẠT

Năm dự án bao gồm: Khởi công Tòa nhà Trung tâm kiểm soát bệnh tật cao 15 tầng trên diện tích 7.179m2 tại đường Nguyễn Tông Quai, phường Trần Lãm, TP.Thái Bình, với tổng vốn đầu tư 225 tỉ đồng. Động thổ Nhà máy chế biến thực phẩm sạch Thái Bình do Tập đoàn TH làm chủ đầu tư, xây dựng trên quy mô 43.264,3m2, có công suất thiết kế 12.300 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn 617,2 tỉ đồng tại xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ.

Cùng với đó là động thổ ba dự án đầu tiên trong Khu công nghiệp (KCN) Liên Hà Thái (Green iP-1): Dự án đầu tư nhà máy Lotes của Công ty TNHH Lotes Việt Nam với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, chuyên sản xuất chân kết nối ram máy tính, cáp nối (cable) dùng cho máy tính và thiết bị điện tử... với công suất khoảng 1.080.000 sản phẩm/năm, chủ yếu cung cấp cho các Tập đoàn lớn như: Itel, Samsung, Sony... Dự án đầu tư nhà máy Ohsung Vina với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, chuyên sản xuất linh kiện cho tập đoàn LG. Dự án đầu tư của công ty TNHH Quốc tế Nam Tài có vốn đầu tư 80 triệu USD với trung tâm thiết kế thời trang của New World Fashion lớn nhất miền Bắc và xây dựng nhà xưởng cho thuê.

Chủ tịch tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận chia sẻ sự vui mừng: Năm 2021, dù đại dịch rất khó khăn nhưng tổng thu ngân sách của Thái Bình lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, đã thu hút được 7 dự án đầu tư FDI với tổng số vốn đăng ký 540 triệu USD. Trong đó riêng KCN Liên Hà Thái là 4 dự án với 440 triệu USD, một kết quả rất đáng phấn khởi; vừa làm thủ tục, vừa GPMB trong thời gian rất ngắn và nay đã khởi công 3 trong tổng số 4 dự án, đây là nét rất khởi sắc. “Đầu tư vào Thái Bình đang phát triển chưa từng có tiền lệ, bằng cả 10 năm trước cộng lại. Chính quyền luôn đồng hành với các nhà đầu tư, không chỉ bây giờ mà trong suốt quá trình sau này. Nhà đầu tư đã về với Thái Bình là về chung một nhà” - Chủ tịch Nguyễn Khắc Thận khẳng định.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX đã xác định nhiệm vụ xây dựng Khu Kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh nhà, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu của Thái Bình trong cả nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo. KCN Liên Hà Thái do Công ty Green i-Park làm chủ đầu tư, nằm trong phạm vi quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 28.10.2019, có giá trị gần 4.000 tỉ đồng, động thổ ngày 13.12.2020. Đây là KCN đầu tiên trong Khu Kinh tế Thái Bình, với sứ mệnh là động lực chủ chốt của nền kinh tế Thái Bình; có quy mô sử dụng đất là 588,84ha, đặt mục tiêu thu hút các dự án lấp đầy KCN đạt trên 4 tỉ USD, tạo khoảng 50.000 việc làm mới, đóng góp hằng năm cho ngân sách Thái Bình từ 1.500 đến 2.000 tỉ đồng.

Trong khoảng thời gian rất ngắn, Thái Bình đã trở thành điểm đến đầu tư của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và của Việt Nam nói chung, đứng thứ 15/63 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên cả nước.

TỪ ỐC ĐẢO THUẦN NÔNG VƯƠN RA THẾ GIỚI

Kết thúc năm 2021, UBND huyện Thái Thụy kiểm kê cho thấy, đã thực hiện GPMB tại KCN Liên Hà Thái đạt gần 500/588,84ha, một cách êm thấm. Đây có lẽ là một kỷ lục hiếm có, trong khi ở nhiều nơi, GPMB không phải là chuyện đơn giản. Trung tá Lê Đình Hưng - Phó Trưởng CA huyện Thái Thụy - chia sẻ: “Đúng là chuyện GPMB ở đây diễn ra rất nhẹ nhàng và minh bạch. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi phối hợp với chủ đầu tư vận động tuyên truyền người dân có diện tích bị thu hồi; vừa đi sâu, đi sát với tâm tư nguyện vọng của dân, vừa vận động thuyết phục. Bà con vẫn có sự so sánh với một vài nơi khác và chủ yếu là về vấn đề giá đền bù như thế nào. Nhưng khi dân hiểu thì đồng thuận. Ngoài ra còn có chuyện di dời khoảng 300 ngôi mộ ra khỏi KCN, ban đầu chúng tôi tưởng đó là việc khó khăn nhất, bởi động đến tâm linh là rất ngại, thế mà cuối cùng cũng ổn. Cơ bản nhất là tuyên truyền vận động. CA huyện chúng tôi hễ ai có người nhà thuộc diện cần di dời giải tỏa là giao việc luôn, tuyên truyền từ dòng họ xuống tận mỗi hộ gia đình”. Thượng úy Phạm Văn Hoa - cán bộ an ninh huyện ngồi kế bên cũng góp vui: “Các anh không tin có thể hỏi lại bất kỳ người dân nào ở đây về chuyện ấy”.
Chủ tịch Green i-Park Nguyễn Minh Hưng (đứng) và TGĐ Green i-Park Bùi Thế Long trao đổi với báo chí. Ảnh: H.Minh

Chủ tịch Green i-Park Nguyễn Minh Hưng chia sẻ: “Thái Bình đang trở mình, từ một tỉnh thuần nông sang công nghiệp hiện đại. Chúng tôi hy vọng năm 2022 sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư hơn, FDI về nhiều hơn, tăng thêm nguồn thu cho tỉnh, tạo được nhiều công ăn việc làm cho bà con hơn. Để người Thái Bình không còn phải đi xa kiếm sống mà có thể về làm việc ngay tại quê hương. Chúng ta đang học và làm “ly nông bất ly hương”, ngay trên quê lúa” - ông Hưng nói.

TGĐ Green i-Park Bùi Thế Long kể với chúng tôi rằng, trong dịch COVID này, anh đã thấy trên báo chí nhiều dự án không có chỗ ở cho công nhân. Còn ở đây, các anh tính toán làm khoảng 10-15% diện tích dự án, từ 50-60ha quỹ đất, tạo chỗ ở cho khoảng 20.000 người, tức là khoảng 40-50% số công nhân lao động. Con số 50.000 công nhân lao động của cả KCN mới chỉ là tạm tính, nếu phát sinh vượt dự báo sẽ tính toán chỗ ở thêm. Công ty sẽ phối hợp với tỉnh trong việc đào tạo công nhân tại chỗ, nhà đầu tư đưa ra yêu cầu gì về nguồn nhân lực thì sẽ đáp ứng theo như vậy.

“Thu hút đầu tư trong đại dịch rất khó khăn. Chúng tôi chủ động tìm kiếm nhà đầu tư và mời họ về với Thái Bình. Các nhà đầu tư lớn thường bỏ ra khoảng 1 năm để tìm hiểu môi trường đầu tư. Hiện 4 dự án đầu tiên của KCN đến từ 4 nước khác nhau. Năm 2022, đường bay quốc tế mở lại, các nhà đầu tư sẽ sang nhiều và ít có tỉnh nào cả Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh cùng tham gia kêu gọi đầu tư như ở Thái Bình. Thái Bình có dân số khoảng 2 triệu người, bà con làm lúa thì thu nhập được bao nhiêu đâu? Thái Bình trước đây như ốc đảo giữa đồng bằng châu thổ, nhưng đường ven biển tới đây sẽ “mở toang”, đưa Thái Bình ra với thế giới. Nhà đầu tư người ta tinh lắm, họ cảm nhận được ngay. Thái Bình đang trở nên hấp dẫn ngay cả với những dự án tỉ đô” - ông Long nói.

Chúng tôi rời Thái Bình trong mưa xuân phơi phới bay, với cảm nhận rất rõ ràng rằng, quê lúa đang chuyển mình thay đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn