MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Vũ Ngọc Tĩnh - một hộ trồng đào ở phường Hoàng Diệu (TP Thái Bình) cho biết đến nay gia đình có đến 200 gốc đào rừng đã bị chết. Ảnh: T.D

Thái Bình: Hàng nghìn gốc đào Sa Cát bỗng chết hàng loạt khi Tết cận kề

TRUNG DU LDO | 08/11/2022 17:45
Cho đến nay, các cơ quan chuyên môn tại tỉnh Thái Bình vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân khiến hàng nghìn cây đào trồng phục vụ Tết tại làng hoa Sa Cát (phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình) chết dần chết mòn bất thường.

"30 năm trồng đào chưa từng gặp hiện tượng đào chết nhiều như vậy"

Ngày 8.11, đại diện Sở NNPTNT Thái Bình, các đơn vị có liên quan của TP Thái Bình, phường Hoàng Diệu tổ chức đoàn đi thực tế, kiểm tra hiện tượng hàng chục nghìn gốc đào cảnh tại làng hoa Sa Cát chết bất thường, chưa rõ nguyên nhân.

Những cây đào bị chết, héo lá trước rồi chết dần xuống cành, gốc. Ảnh: T.D

Ông Trần Văn Chỉnh - Chủ tịch Hội nông dân phường Hoàng Diệu - thông tin nhanh: Đến thời điểm này, đã có khoảng 4 nghìn cây đào to, đào thế (giống đào rừng) và khoảng 7-8 nghìn giống đào con đã bị chết.

Theo thống kê của ngành chức năng địa phương, hiện nay, trên địa bàn phường Hoàng Diệu có khoảng gần 200 hộ dân trồng đào, với tổng diện tích khoảng 16ha. 

"Năm nay các hộ trồng hơn 40 nghìn gốc đào thế và đào thường (trong đó có khoảng 11 - 12.000 gốc đào thế, còn lại là đào thường - PV) để cung cấp ra thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã có khoảng 4.000 gốc đào thế, 8.000 gốc đào thường của 148 hộ trồng đào bị chết, người dân phải phá bỏ trong xót xa", đại diện lãnh đạo Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp phường Hoàng Diệu cho hay.

Nhà vườn của ông Vũ Văn Xô phường Hoàng Diệu có 150 gốc đào rừng, đến nay đã chết đến 95%. Ảnh: T.D

Theo anh Vũ Ngọc Tĩnh (trú tổ 9, phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình), sau một năm trời dày công chăm sóc, 200 gốc đào, chủ yếu là đào thế, đang xanh mướt của vườn nhà mình bỗng nhiên héo rũ, chết hàng loạt, trơ gốc không rõ nguyên nhân. Rất nhiều người trồng đào lớn tuổi trong làng cho biết, hơn 30 năm trồng đào cảnh chưa bao giờ họ gặp cảnh tương tự.

"Nhà tôi có mấy vườn, năm nay tôi tập trung vào vườn này 200 gốc đào thế. Nhưng sau các đợt mưa nhiều từ tháng 4, đặc biệt là tháng 9 vừa qua đã khiến nhiều gốc đào lụi đi, lá héo dần, có biểu hiện chết rễ từ từ. Không riêng gia đình tôi, tất cả các hộ trồng đào ở đây mọi năm phải phủ rơm rạ ở gốc để giữ nước nhưng năm nay đậy không thấy rễ ăn lên" - anh Tĩnh xót xa.

Những gốc đào rừng sắp đến ngày bán Tết thì bị chết khô. Ảnh: T.D

Tính cách hỗ trợ người trồng đào

Người dân trồng đào cho biết, tại rất nhiều nhà vườn hầu hết cây đào đang tiếp tục có hiện tượng rũ lá, phần ngọn héo đen. Cứ đà này, trong một vài tuần tới hiện tượng chết dần chết mòn sẽ còn lan xuống các nhánh cành, rồi gốc.

Chia sẻ khó khăn với các xã viên trong Tổ hợp tác trồng đào phường Hoàng Diệu, chiều ngày 8.11, trao đổi với PV Lao Động, lãnh đạo Hội nông dân TP Thái Bình cho biết đã nhiều lần xuống chia sẻ, thăm hỏi bà con. 

"Trong khi chờ các cơ quan chuyên môn tiếp tục đánh giá, đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân đào chết, phía hội đã đề nghị tổ hợp tác khẩn trương tổ chức hội thảo, mời bà con bị thiệt hại đến để tiếp tục nắm bắt thông tin, từ đó đúc rút kinh nghiệm, xây dựng quy trình sản xuất thống nhất trong toàn bộ xã viên, tránh những rủi ro trong các năm tới.

Về phía hội, chúng tôi đã, đang và sẽ chủ động kết nối, đề xuất cấp trên có ý kiến về mặt cơ chế với một số tổ chức tín dụng như Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách Xã hội hay quỹ vay vốn để người dân tiếp cận vay vốn, phục hồi sản xuất" - Chủ tịch Hội nông dân TP Thái Bình, cho biết.

Người nông dân xót xa gom gốc, cành đào chết làm củi. Ảnh: T.D

Được biết, để gây giống và chăm sóc 1 vườn đào chuẩn bị cho Tết Nguyên đán đang cận kề, nhiều hộ gia đình mất trắng tiền tỉ. Và để làm lại, ít nhất cần đến 400 - 500 triệu đồng mới mong vực lại đào cảnh cho Tết năm sau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn