MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) khẩn trương thu hoạch các diện tích lúa mùa bị đổ gục sau mưa bão. Ảnh: CTV

Thái Bình: Khắc phục hậu quả bão số 7, sẵn sàng ứng phó bão số 8

TRUNG DU LDO | 11/10/2021 16:25
Hoàn lưu bão số 7 kết hợp không khí lạnh tác động đã gây mưa lớn kéo dài, gió nhẹ cho toàn tỉnh Thái Bình trong ngày 10.10. Hiện nay, địa phương này vừa khẩn trương khắc phục hậu quả của đợt mưa bão vừa qua, vừa sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 8 đang hình thành trên biển Đông.

Bão số 7 làm nghiêng, đổ gần 6000 ha lúa mùa

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai &  Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thái Bình, ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp hoàn lưu bão số 7 đã gây mưa lớn trên diện rộng cho tỉnh Thái Bình trong ngày 10.10, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ.

Cụ thể, trong hôm qua (10.10) và hôm nay (11.10) trên địa bàn tỉnh Thái Bình liên tiếp có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; lượng mưa đo được phổ biến từ 100-150mm. 

Lượng mưa trung bình toàn tỉnh từ ngày 09.10 đến 11h ngày 10.10 là 96,1mm, cao nhất tại xã Đông Quan (huyện Đông Hưng) là 115,3mm, tại xã Thụy Liên (huyện Thái Thụy) là 114,8mm.

Hậu quả, tổng diện tích lúa mùa bị nghiêng, đổ nhẹ trong toàn tỉnh là 5.900ha (huyện Thái Thụy 950ha, Kiến Xương 2.000ha, Tiền Hải 1.800ha, Vũ Thư 150ha, Quỳnh Phụ 600ha, Đông Hưng 400ha). 

Tổng diện tích rau màu bị ảnh hưởng nhẹ do mưa là 3.460 ha (huyện Quỳnh Phụ 600 ha, Vũ Thư 1.150 ha, TP.Thái Bình 20 ha, Thái Thụy 770 ha, Kiến Xương 720ha, Đông Hưng 200ha).

Mưa lớn còn gây sạt lở nhẹ mái đê phía đồng đê cửa sông Tả Hồng Hà tại K4+200 (thôn Phương Giang, xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải) với chiều dài khoảng 30 mét. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, xã đã huy động nhân lực, vật lực khẩn trương tiến hành xử lý giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”.

Đoạn mái đê phía trong đê Tả Hồng Hà bị lở đã được gia cố khẩn trương, kịp thời. Ảnh: T.D

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương, đơn vị khẩn trương khắc phục sự cố do bão số 7 gây ra, đồng thời luôn túc trực, sẵn sàng ứng phó, chuẩn bị mọi nguồn lực để hạn chế thấp nhất thiệt hại do những diễn biến khó lường tiếp theo của thời tiết.

Sẵn sàng "đón" bão số 8

Hồi 8h sáng nay, 11.10, ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình ký ban hành Công điện khẩn số 15/CĐ-PCTT gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh chỉ đạo, yêu cầu cả hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị và nhân dân chủ động ứng phó, chuẩn bị "đón" bão số 8 đang hình thành ngoài khơi.

Công điện nêu, theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay cơn bão Kompasu đang hoạt động ở ngay khu vực biển phía Đông Phi-lip-pin; hồi 7h ngày 11.10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc, 124,1 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Phi-líp-pin) 250km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11; dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm.

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 7 và không khí lạnh nên ngày hôm nay (11.10) tại Thái Bình tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. 

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, mưa lớn, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi; yêu cầu lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản quay trở lại chòi, đầm.

Tập trung chỉ đạo huy động tối đa nhân lực, phương tiện để thu hoạch lúa mùa đã đến kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; chỉ đạo dựng, buộc diện tích lúa bị đổ, kiên quyết không để lúa bị ngập nước mọc mầm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng; sau mưa khẩn trương khắc phục diện tích cây vụ Đông bị ảnh hưởng của mưa bão và tiếp tục gieo trồng cây vụ Đông ưa lạnh; chủ động nguồn giống để gieo trồng bù vào diện tích cây trồng bị chết.

Đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, triệt để tiêu nước trong hệ thống, tiêu kiệt nước mặt ruộng để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

Tăng cường công tác kiểm tra công trình đê điều, đặc biệt là các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, nếu phát hiện thấy công trình không đảm bảo an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn