MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đến hẹn lại lên, người dân xã Hồng Tiến (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) lại phấn khởi thu vớt rươi tự nhiên. Ảnh: T.D

Thái Bình: Mùa rươi đến muộn, người dân vớt "lộc nước"

TRUNG DU LDO | 31/10/2022 17:04

Trong 3 ngày từ 27 - 29.10 (tức từ ngày 3 - 5 tháng Mười Âm lịch), khoảng 20 hộ dân nuôi trồng thủy sản trên vùng đất bãi bồi ở xã Hồng Tiến (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) vừa trúng vụ rươi tháng Mười, có hộ vớt được trên dưới 1 tạ rươi, thu về gần 40 triệu đồng.

Ông Vũ Văn Luyện - Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) cho biết, tính theo con nước thủy triều lên xuống, trong 3 ngày nói trên các hộ dân có diện tích đất bãi bồi đấu của xã đã thu về tổng cộng khoảng 2 tấn rươi tự nhiên.

"Năm nay giá rươi tươi sống thương lái thu mua tại bãi giữ ổn định ở mức 380 nghìn đồng/1 kg. Nhà nào nhiều nhất vớt được trên dưới 1 tạ, thu về khoảng 40 triệu đồng. Nhà nào ít thì chỉ được khoảng trên dưới 20 kg, còn lại có nhiều nhà vớt được từ 50 - 70 kg", ông Luyện cho hay.

 Nhờ giữ được vùng cói tự nhiên, các điều kiện đất, nước sơ khai, truyền thống nên người dân xã Hồng Tiến vẫn được thiên nhiên ban tặng "lộc nước". Ảnh: T.D

Theo ông Luyện, với kinh nghiệm bao đời lấy nước vào bãi để đón rươi tự nhiên từ bùn đất chui ra, thường rươi xuất hiện vào khoảng ngày 20 tháng Chín và ngày 5 tháng Mười (Âm lịch). Tùy con nước, rươi có thể đến muộn hoặc sớm hơn, chênh lệch mấy ngày.

Tuy nhiên, năm nay trong đợt 20 tháng Chín, dù đã ngóng đợi và áp dụng tất cả các biện pháp, kinh nghiệm vốn có nhưng người nuôi trồng thủy sản không thấy rươi xuất hiện. Mãi đến đầu tháng Mười, "lộc nước" mới đến với bà con dù sản lượng không còn cao như xưa.

Hộ ông Trần Văn Ký (64 tuổi, trú thôn Nam Hòa, xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương), cho biết: "Năm nay nước rươi đầu đến muộn, lẽ ra tầm 20 tháng Chín là có rồi nhưng chắc do thời tiết, thiên nhiên thay đổi nên đẩy lùi lại hơn chục ngày mới thấy có. Như nhà tôi trong 3 ngày cũng vớt được hơn 1 tạ, bán được 40 triệu đồng. Một số nhà khác cũng được trên 1 tạ. Nếu may mắn, nước thứ 2 có thể rươi vẫn còn nữa".

Người dân thu đáy vớt rươi, sau đó ngồi nhặt để loại bỏ rác bị lẫn. Ảnh: T.D

Xã Hồng Tiến may mắn được ban tặng hàng trăm hecta đất bãi bồi ngoài đê tiếp giáp với sông Hồng xuôi về phía hạ nguồn. Các hộ dân được tạo điều kiện thuê, đấu lại các diện tích đất này để nuôi trồng, khai thác thủy sản nước ngọt, nước lợ. Đây cũng là địa phương nổi tiếng ở Thái Bình với thế mạnh trồng cói, khai thác cáy, rươi tự nhiên.

Muốn giữ được con rươi, con cáy tự nhiên thì theo người dân địa phương, điều quan trọng nhất là phải làm sao giữ được môi trường sống tự nhiên nhất để chúng sinh sôi, nảy nở. Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước, nguồn thức ăn cho các loài này phát triển.

Nhờ làm tốt công tác bảo vệ môi trường, duy trì được điều kiện tự nhiên sơ khai nên nguồn cáy, rươi tự nhiên ở vùng bãi bồi ven đê sông Hồng xã Hồng Tiến vẫn còn khá dồi dào.

Con rươi tự nhiên ở xã Hồng Tiến luôn được ưa chuộng, đắt khách bởi thân to mập, béo ngậy và có vị ngọt bùi mà hiếm có loại rươi ở nơi nào sánh được. Ảnh: T.D

Ngoài rươi một năm chỉ có khoảng 2 lần, quanh năm người nuôi trồng thủy sản ở xã Hồng Tiến còn thu lợi từ bắt cáy tự nhiên, tôm giảo, cá nước ngọt, cá nước lợ, cắt cói bán cho người làm chiếu từ vùng khác đến thu mua, bán chuối...

Từ con rươi, con cáy thơm ngon nức tiếng, người dân trong xã cũng phát triển nghề làm mắm cáy, rươi kho, chả rươi... truyền thống để bán, cung cấp đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Thái Bình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn