MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh xót xa giữa lũ vào đầu tháng 11.2016 tại tỉnh Phú Yên. Ảnh: NHIỆT BĂNG

Tham vấn người dân hạ du khi vận hành xã lũ

NHIỆT BĂNG LDO | 15/08/2017 08:35

UBND tỉnh Phú Yên vừa tổ chức tham vấn ý kiến nhân dân vùng lũ hạ du khi vận hành xả lũ và phát điện tại các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên với sự tham gia của 140 hộ dân là các trưởng thôn, khu phố và người dân trong vùng lũ. Có thể nói, lần đầu tiên trong “lịch sử xả lũ”, người dân hạ du tỉnh này được trực tiếp đối thoại, đề bạt ý kiến, nguyện vọng với các thủy điện và chính quyền.

Buổi tham vấn cầu thị và trách nhiệm

Tháng 11.2016, Báo Lao Động có bài viết “Cần có bản đồ ngập lụt”, trong đó phản ánh nhiều bất cập xung quanh vấn đề xả lũ của các nhà máy thủy điện ở Phú Yên, Gia Lai. Toàn tỉnh Phú Yên có bốn nhà máy thủy điện đang vận hành, với tổng công suất khoảng 372MW. 

Chỉ vài ngày đầu tháng 11 năm ngoái, chưa có bão, nhưng đợt xả lũ thủy điện kèm theo mưa lớn ở tỉnh này đã cướp đi 7 mạng người. Điều đáng nói, người đứng đầu chính quyền các huyện bị ảnh hưởng lũ thủy điện Sông Ba Hạ lại tỏ ra khá lúng túng khi chúng tôi đặt vấn đề về thông tin bản đồ ngập lụt. “Nhà máy thủy điện thông báo bằng điện thoại, nhưng chỉ tôi nắm thôi nên triển khai đến người dân còn chậm” hay “Lúc ấy hồ đập tràn tự do nên không biết được lưu lượng bao nhiêu” là câu trả lời chúng tôi nhận được. Lời nói đã minh chứng thực tế họ không biết sau 2 giờ nước chảy đến đâu, và phạm vi ngập lụt đến mức nào.

Vì thế, buổi tham vấn ý kiến người dân để tìm tiếng nói chung về thực trạng này có thể nói là bức thiết, cầu thị và trách nhiệm. Điều đặc biệt là ngoài các sở, ban, ngành còn có sự tham gia của lãnh đạo 44 xã, phường, thị trấn vùng hạ du và chủ các doanh nghiêp thủy điện, hồ chứa (Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, Công ty CP Sông Ba…).

Giống như tiếp xúc cử tri, 19 ý kiến của người dân hạ du gửi đến UBND tỉnh và các đơn vị liên quan, chủ yếu đặt mong mỏi làm sao đó các ngành chức năng phải sớm thiết lập hệ thống cảnh báo phù hợp với từng vùng hạ du, trong đó phải tính đến những vùng đặc thù về địa hình. Mỗi xã, người dân đề nghị cần đầu tư một hệ thống còi hụ để nhân dân biết và phòng tránh, đồng thời nghiên cứu nâng thời gian cảnh báo xả lũ lên hơn 2 giờ so với quy định hiện nay.

Riêng những vùng trũng thấp, thường xuyên bị ngập lụt, thay vì cứ “quanh năm chạy lũ” khi có xả lũ thì tỉnh cần có phương án lâu dài là tái định cư. Người dân cũng cho rằng, thông tin chi tiết về bản đồ ngập lụt hiện nay vẫn chưa được đi đến nơi lẽ ra nó phải đến. Đó là cấp phường, xã, thậm chí thôn. Chỉ có như thế, người dân mới nắm bắt kịp thời thông tin về xả lũ để chủ động trong việc phòng tránh, di dời tài sản.

Nhiều giải pháp hạn chế thấp nhất thiệt hại

“Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư cập nhật, rà soát, tính toán lưu lượng nước đối với quy trình xả lũ đơn hồ, liên hồ; trong đó phải tính toán đến lượng nước ở khu vực Gia Lai và xét đến yếu tố mực nước triều cường. Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế chỉ đạo tại buổi tham vấn ý kiến người dân vùng hạ du.
 
Ông Thế cũng yêu cầu Sở Công thương khẩn trương triển khai số hóa bản đồ vùng ngập lụt chung hạ du, xác định phạm vi và mức độ ngập lụt để các địa phương vùng hạ du chủ động trong chỉ huy phòng, chống lũ lụt và có phương án ứng phó hợp lý, kịp thời; lắp đặt thêm hệ thống đo mưa, truyền về trung tâm để tính toán cho toàn tuyến sông, kết nối mạng với bản đồ số hóa vùng ngập lụt. 

Riêng các chủ đầu tư, bên cạnh thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Chính phủ ban hành, ông Thế yêu cầu phải tăng cường công tác phát tin, cảnh báo, thông tin về xả lũ và khi phát điện có lượng nước xả lớn để điều tiết nước kịp thời, chính xác hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nhân dân vùng hạ du. Nhất là khi có lưu lượng nước về hồ thay đổi bất thường, các chủ đầu tư phải thông báo kịp thời cho UBND các huyện, xã vùng hạ du biết để thông tin cho nhân dân chủ động phòng tránh, đồng thời có trách nhiệm bổ sung các cột cảnh báo, còi tín hiệu, loa phát thanh và hỗ trợ thêm thiết bị loa cầm tay, đèn pin cho các vùng ngập sâu.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên, UBND TP.Tuy Hòa, UBND các huyện ở hạ du lập danh sách những người có trách nhiệm trong công tác phòng chống lụt bão tại các xã, thôn, buôn gửi cho BCH Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra loa phát thanh, cột cảnh báo. Nghiên cứu phương án cảnh báo bằng kèn, trống, mỏ... để thay thế phương án cảnh báo như hiện nay khi có xảy ra sự cố thiên tai kép không thể di chuyển đi lại (không điện, không điện thoại) để phổ biến cho nhân dân biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn