MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thận trọng với việc đầu tư dẫn nước ngọt sông Hậu về Cà Mau

Thanh Mai LDO | 19/03/2024 18:36

Theo TS Tô Văn Trường - chuyên gia nghiên cứu độc lập về tài nguyên nước - việc dẫn nước ngọt sông Hậu về Cà Mau là cần thiết, nhưng cần tính toán một cách thận trọng, cả về kỹ thuật và thời điểm….

Những ngày gần đây rộ lên luồng ý kiến dẫn nước ngọt về các địa phương ven biển, trong đó có ý kiến đề xuất đưa nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau. Theo nhiều chuyên gia, ý kiến này rất đáng quan tâm. Bởi tỉnh Cà Mau có phần lớn diện tích nằm ven biển. Trong khi đó khoảng cách nguồn nước ngọt tự nhiên gần nhất là sông Hậu lên đến 90-120km theo đường chim bay.

Tuy nhiên, đề xuất này không phải là chuyện mới. Cách đây hơn 3 thập niên đã từng có dự án nghiên cứu chuyển nước cho Cà Mau. Điển hình như Dự án hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp được đầu tư từ những năm 1990 đến 2007, đến 2020 được bổ sung thêm âu thuyền Ninh Quới.

Nguồn nước ngọt từ sông Hậu về đến Cà Mau lên đến 90-120km theo đường chim bay. Ảnh: Thanh Mai

Theo TS Tô Văn Trường - chuyên gia nghiên cứu độc lập về tài nguyên nước - hệ thống công trình thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp hướng tới 5 nhiệm vụ. Trong đó nổi bật là nhiệm vụ tưới, cấp nước ngọt và ngăn triều cường, xâm nhập mặn cho vùng ngọt ổn định, tổng cộng 190.900 ha thuộc 2 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và cấp nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng chuyển đổi tỉnh Bạc Liêu, diện tích tổng cộng 72.600 ha và kiểm soát mặn phục vụ canh tác 40.752 lúa và tôm - lúa vùng chuyển đổi phía Tây tiểu vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp thuộc tỉnh Cà Mau…

Điều này cho thấy Cà Mau ít được hưởng lợi từ nguồn nước ngọt ở hệ thống Quản Lộ - Phụng Hiệp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng quan trọng là việc vận hành hệ thống công trình thủy lợi chỉ có thể đưa nước ngọt về đến khu vực Bạc Liêu, ít về Cà Mau do xa nguồn nước, đầu nước thấp…

Lão nông vùng ven biển kiểm tra độ mặn trên ruộng. Ảnh: Thanh Mai

Vì thế theo TS Tô Văn Trường, để mở rộng khả năng tiếp nước ngọt từ sông Hậu cho Cà Mau, cần có thêm sự đầu tư. Đầu tư này không chỉ lớn về quy mô mà còn đòi hỏi phải có sự tính toán rất công phu về kỹ thuật để đảm bảo phù hợp với đặc thù địa lý tự nhiên của vùng Bắc và Nam Cà Mau.

Theo đó, để đưa nước ngọt sông Hậu về vùng Bắc Cà Mau, bên cạnh hệ thống công trình thủy lợi hiện có, cần bổ sung thêm một vài công trình ví dụ như cống Tắc Thủ và phối hợp vận hành của cả hệ thống thủy lợi trong vùng bán đảo Cà Mau. Riêng vùng Nam Cà Mau, nếu muốn bổ sung nước ngọt thì phải đầu tư thêm khá nhiều công trình. Trong đó có những công trình tương đối lớn như cống Sông Đốc, Gành Hào.

Một ruộng lúa mất trắng vì nước nhiễm mặn. Ảnh: Thanh Mai

Tuy nhiên, theo TS Trường, ngay cả khi đầu tư xong, khả năng tiếp nước cũng bị hạn chế. Vì thế, theo ông, trước mắt, cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật hiệu quả về kinh tế trước khi đi đến quyết định chính thức. Điều này có thể chậm lại tiến độ triển khai giải pháp công trình, nhưng không quá đáng lo. Bởi Cà Mau là địa phương đón nhận lượng mưa rất lớn. Lượng mưa bình quân hàng năm vào khoảng 2.400 mm, cao hơn so với bình quân vùng ĐBSCL vào khoảng 1.500 mm.

Theo nhiều chuyên gia, để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau không chỉ cần đầu tư lớn về công trình mà đòi hỏi lớn cả về kỹ thuật. Ảnh: Thanh Mai

Gợi mở về giải pháp công trình, TS Tô Văn Trường cho rằng, quan trọng nhất là phải cân - đo - đong - đếm thật kỹ mục đích sử dụng nước, đối tượng sử dụng nước… Tiếp đó là cân nhắc các giải pháp liên quan, thu trữ nước tại chỗ nhờ hệ thống thu trữ nước mưa, bơm trữ khi nguồn nước dồi dào trong mùa mưa. Trên cơ sở đó, đặt ra lời giải bài toán hiệu quả kinh tế và bền vững của các giải pháp để có lựa chọn phù hợp, ưu tiên cho từng giai đoạn khác nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn