MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực cống Long Tửu (Đông Anh, Hà Nội) được đề xuất xây dựng đập dâng để nâng mặt nước sông Hồng. Ảnh: Google Maps

Thận trọng với việc xây đập dâng nhằm cứu sông Hồng

Cẩm Hà LDO | 26/03/2024 15:04

Việc xây dựng các đập dâng ở khu vực cống Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và cống Long Tửu (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) có nguy cơ gây ra các tác động không mong muốn với dòng chảy sông Hồng cũng như các hệ lụy về môi trường, chất lượng nước và hệ vi sinh.

Sông Hồng đang bị bào mòn đáy

Các nghiên cứu của ông Lê Xuân Quang - Phó Viện trưởng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường và ông Lê Viết Sơn - Viện Quy hoạch Thủy lợi dựa trên các số liệu quan trắc về địa hình lòng dẫn các sông vùng hạ du sông Hồng - sông Thái Bình chỉ ra rằng, rất nhiều sông chính đã bị xói trong khoảng gần 20 năm trở lại đây

Trên sông Hồng, đoạn từ Sơn Tây đến Hà Nội hiện tượng xói chiếm xu thế chủ đạo, mức độ xói khá lớn và tại mặt cắt Sơn Tây, chỉ tính từ năm 2001 - 2009, đáy sông Hồng hạ thấp khoảng 2m. Đoạn từ Vạn Phúc đến cửa sông Luộc dài 57km, lòng sông bị xói mạnh, cao độ trung bình của lòng sông cũng hạ thấp 125cm.

Trên sông Đuống, đoạn từ ngã 3 Hồng - Đuống đến Phả Lại có chiều dài 56km, nhưng các kết quả đo đạc cho thấy, toàn bộ sông Đuống bị xói mạnh và liên tục. Chỉ tính đến năm 2013, cao độ trung bình đáy sông bị hạ thấp tới 327cm so với trước đó chưa đầy 10 năm.

Cũng theo nghiên cứu trên, mặc dù dòng chảy mùa kiệt trên hệ thống sông Hồng được bổ sung nhờ có sự điều tiết của các hồ chứa lớn ở thượng du, nhưng mực nước trên hệ thống sông Hồng nói chung và tại Sơn Tây nói riêng liên tục giảm từ năm 2000 trở lại đây. “Đến nay, mực nước tại Sơn Tây đã giảm đến mức nghiêm trọng, làm cho nhiều công trình thuỷ lợi trên các sông đoạn thượng du trạm thuỷ văn Hà Nội không thể hoạt động, kể cả trong trường hợp các hồ chứa ở thượng du đã xả nước hết công suất” - nghiên cứu cho thấy.

Người dân câu cá tại cống Long Tửu khi mực nước sông Đuống xuống thấp. Ảnh: Hải Nguyễn

Thế giới đang theo hướng khơi thông luồng lạch sông ngòi

Hiện tượng sông Hồng tụt đáy cũng được Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ ra tại Hội nghị công bố quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 tổ chức ngày 21.3. Ông Hiệp cho hay, càng ngày lòng dẫn sông Hồng càng hạ xuống, tất cả công trình gắn liền đều không lấy được nước. 10 năm trước, thủy điện chỉ cần xả khoảng 3 tỉ m3 nước là đủ phục vụ Đông Xuân nhưng từ cách đây 3 năm, ngay cả khi lượng nước được xả gấp đôi cũng vẫn không lấy được nước tưới tiêu.

Lãnh đạo Bộ NNPTNT cho rằng, cần sớm nghiên cứu nâng cao đáy sông hoặc dâng mực nước. Giải pháp đầu tiên là làm các đập dâng, trước mắt có thể nghiên cứu xây hai đập ở khu vực Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Long Tửu (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), dự kiến khởi công trong giai đoạn 2026-2030. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu lấy nước tưới tiêu, khi nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp các sông Nhuệ, Đáy hay thậm chí Tô Lịch có dòng chảy tự nhiên như xưa.

Tuy nhiên, đề xuất xây dựng các đập dâng nhằm dâng mực nước sông Hồng đang gây nhiều lo ngại về những tác động không mong muốn như dòng chảy thay đổi, kéo theo một loạt vấn đề môi trường, trong đó có chất lượng nước và hệ vi sinh. Nói về đề xuất xây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng, TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam - trong các trao đổi với báo chí nhìn nhận, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ những tác động tới môi trường, cảnh quan.

Vị này trước đó cũng nhiều lần kiến nghị không nên xây dựng thêm thủy điện trên sông Hồng bởi việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng chảy, phù sa, hệ sinh thái, cũng như đời sống người dân.

Tại một hội thảo do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức nhằm đánh giá ảnh hưởng của hạ thấp mực nước sông Hồng và các giải pháp giảm thiểu, TS Đào Trọng Tứ cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, trọn vẹn từ đó mới đưa ra giải pháp bởi vấn đề xây dựng công trình không khó nhưng cũng không dễ đối với sông Hồng và cần xem xét quan điểm người dân vì hiện nay thế giới đang đi theo chiều hướng khác đó là chiều hướng khai thông luồng lạch, để không gian cho các dòng sông.

Trao đổi với Lao Động, GS.TS Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - cho biết, việc bố trí 2 công trình trên không chỉ đảm bảo yêu cầu mực nước thiết kế cấp nước tưới cho các công trình thủy lợi lớn nhất của đồng bằng Bắc Bộ mà còn tạo tiền đề cho việc xử lý môi trường trên các sông chi lưu của sông Hồng và các hệ thống thủy lợi nội đồng. Bên cạnh đó, việc bố trí 2 cụm công trình trên sẽ có tác dụng hạn chế tỉ lệ phân lưu mùa kiệt vào sông Đuống, đảm bảo đủ lưu lượng trên sông Hồng cấp cho các công trình thủy lợi sau khu vực cửa Đuống.

“Giá trị đặc biệt rất khó tính được bằng tiền, đó là sau khi xây dựng công trình điều tiết nước trên sông, sẽ góp phần rất lớn để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong các sông nhánh của sông Hồng, trên các hệ thống thủy lợi cũng như hệ thống tiêu thoát nước cho TP Hà Nội là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Việc xây dựng các công trình điều tiết sẽ tạo nên một cảnh quan, phát triển du lịch cho vùng ven sông và trên sông Hồng đoạn qua TP Hà Nội” - GS.TS Trần Đình Hòa nhấn mạnh.

Thực tế GS Trần Đình Hòa cũng nhìn nhận, việc xây dựng 2 công trình trên sẽ có những tác động nhất định, nhưng hiện nay, công nghệ và năng lực xây dựng về công trình thủy lợi của Việt Nam hiện có thể đáp ứng được.

Hiếu Anh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn