MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sóng biển đánh tan bờ kè và các hàng quán ở xã Gio Hải (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Hưng Thơ

Thảng thốt bên những đê biển sóng "ngoạm"

HƯNG THƠ - PHÚC ĐẠT LDO | 16/11/2020 14:31

Từ rạng sáng 15.11, bão số 13 tạo nên những đợt gió giật mạnh kèm sóng biển lớn ảnh hưởng trực tiếp từ tỉnh Thừa Thiên-Huế đến Quảng Trị. Sau khi bão đi qua, nhà cửa, cây cối dọc miền biển xơ xác, cây không còn cành, nhà không còn mái. Đặc biệt, nhiều đoạn đê biển đã bị sóng đánh tan, nhưng cây trồng chắn sóng có tuổi đời hàng chục năm cũng bị đánh úp, cuốn trôi ra biển.

Hoảng hốt bên bờ biển ngoạm

Hơn 10 năm nay, gia đình bà Trần Thị Dung (thôn 5, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) làm 1 hàng quán bán đồ ăn hải sản ở bãi tắm Gio Hải. Chừng ấy thời gian buôn bán bên bờ biển, gia đình bà chỉ lo thời tiết không thuận lợi, du khách không về tắm biển thì ế ẩm hàng quán. Nhưng sau các đợt mưa bão trong tháng 10.2020 vừa rồi, gia đình bà Dung có nỗi lo mới: Biển ngoạm.

Sáng 15.11, sau khi bão đã di chuyển sang nơi khác, mưa đã ngớt, sóng biển đã dịu xuống, tôi đi dọc bờ biển tỉnh Quảng Trị từ Cửa Việt (huyện Gio Linh) ra đến huyện Vĩnh Linh, thì chứng kiến nhiều đoạn đê biển bị sóng biển nuốt. Bà Dung mang bộ đồ áo mưa cùng chiếc nón, đứng ở ngay nền hàng quán của mình, nhưng phải nhìn tới nhìn lui vì sợ sạt xuống biển. Trước khi bão số 13 ập vào, bà Dung cùng chồng và chính quyền đã gia cố mái nhà, chằng chống bằng dây vì lo gió sẽ quét qua nơi này. Nhưng không ngờ, vào tối hôm qua sóng biển quá lớn đã xé luôn đoạn đê mới được đưa vào sử dụng rồi “liếm” luôn vào 9 hàng quán ở sát bờ.

“Chừ không còn chi rồi. Mái nhà bị hất đi đâu không rõ, chỉ còn mấy cái cột bêtông cũng không làm được gì. Nếu quán bị bay đi, thì tới đây còn có thể vay mượn dựng lại, nhưng nền nhà bị sóng ngoạm đi rồi, thì thực tế là không biết làm sao nữa” - bà Dung nói giọng hoảng hốt.

Từ 8h sáng, biết bão số 13 sẽ ảnh hưởng đến tài sản của người dân trong xã, nên ông Trần Viết Nam - Chủ tịch UBND xã Gio Hải cùng các cán bộ khác đi xem tình hình dọc bờ biển. Ông Nam mở điện thoại, lật lại những tấm hình ghi cảnh “đọt” sóng biển mỗi khi đánh vào bờ tung bọt trắng xóa khiến tầm nhìn xa bờ chỉ còn vài mét. “Sóng ở biển bao nhiêu nay, bão lũ cũng nhiều, nhưng từ tháng 10.2020 đến nay thì cơn bão nào cũng gây sóng biển hung tợn. Đến những cây phi lao người dân trồng chắn đã mấy chục năm tuổi với thân to, rễ thọc sâu, vậy mà đợt này vẫn bị bứng rễ, sóng cuốn ra ngoài xa”- ông Nam, cho hay.

Nạn nhân của sóng biển ở con bão số 13 không chỉ có 6km đê biển của xã Gio Hải, mà theo ông Võ Đắc Hóa - Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, thì đê biển từ Gio Hải ra đến xã Trung Giang cũng te tua. Hết xã Trung Giang, tôi đi dọc qua bờ biển huyện Vĩnh Linh, ghi nhận tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng. Như ở xã Vĩnh Thái, 4km đê biển bắt đầu từ thôn Thái Lai bị biển ngoạm vào sâu có nơi hơn 15 mét. Những bờ kè bằng ximăng cốt sắt, những hàng dương nhiều năm tuổi nay chẳng ăn thua gì với những đợt sóng bạc đầu gầm thét...

Cả nghìn mái nhà bị bão 13 "bế" đi

Sóng không chỉ ngoạm đê biển ở Quảng Trị, mà ở tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng bị ảnh hưởng. Như ở bờ biển xã Giang Hải (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) do bị sóng to, gió lớn kết hợp với triều cường đã làm sạt lở khoảng 250m đoạn bờ kè đang thi công. Trước đó, đợt mưa lũ vừa qua, bờ biển qua địa bàn tỉnh này có nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài hơn 10km; đặc biệt bờ biển tại các xã Phú Thuận, xã Giang Hải, xã Hải Dương sạt lở nghiêm trọng 4km cần khắc phục khẩn cấp vì có nhiều đoạn xói lở sâu đến khu vực dân cư.

Nếu sóng biển ăn đê, thì gió giật mạnh của bão số 13 lấy đi không ít tài sản của người dân ở Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị. “Cơn bão số 13 đã làm cơ sở vật chất của trường bị thiệt hại nặng, trường có 2 cơ sở, cơ sở 1 bị tốc mái hoàn toàn 4 phòng học, cơ sở 2 bị sập nhà xe, nhiều phòng bay ngói” - ông Đỗ Viết Đề - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thuận (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế), nói. Bây giờ, bão đã tan, nhưng nhìn thiệt hại, ông Đề không rõ bao giờ mới có thể khôi phục để đón học sinh đi học trở lại.

Thống kê ban đầu cho thấy, ở tỉnh Thừa Thiên-Huế có trên 1.000 nhà dân bị tốc mái, hư hại tập trung ở 2 địa phương là huyện Phú Lộc, và thị xã Hương Trà. Bên cạnh đó, không ít thuyền bè của người dân bị sóng đánh chìm.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, do có sự chủ động với phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống bão nên mức độ thiệt hại của bão số 13 trên địa bàn tỉnh như trên là giảm đáng kể. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp huy động tối đa lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang trực tiếp về cơ sở phối hợp với nhân dân khắc phục hậu quả của mưa bão, giảm thiểu thiệt hại của người dân. Đồng thời, yêu cầu chính quyền các cấp cần nhanh chóng tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, thuốc men, bảo đảm không người dân nào bị đói ăn, bệnh tật.

Tại tỉnh Quảng Trị, nhờ chuẩn bị các biện pháp phòng chống bão số 13 hiệu quả, nên đã tránh được thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân. Tuy nhiên, do gió giật mạnh, nên toàn tỉnh có gần 100 nhà dân ở các địa phương ven biển của huyện Hải Lăng và Triệu Phong bị tốc mái, hư hại. Có 6 người ở tỉnh này bị thương trong quá trình chằng chống nhà cửa tránh bão, một số diện tích cây caosu cũng bị gãy đổ.

Theo ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, đảo Cồn Cỏ của tỉnh là nơi bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão số 13 với gió giật mạnh cấp 12 trong sáng 15.11. Tuy nhiên, trước đó toàn bộ quân và dân trên đảo đã xuống hầm quân sự để tránh trú bão, nên đảm bảo được an toàn khi bão quét qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn