MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu Cần Thơ bắc qua dòng sông Hậu. Ảnh: Khương quỳnh

Tháng Tư trên những cánh Rồng

Phấn Đấu LDO | 30/04/2020 07:32
Bắt đầu từ cây cầu Mỹ Thuận hoàn thành cách đây đúng 20 năm, hàng loạt những cây cầu “khủng” khác tiếp tục được bắc qua các nhánh sông Cửu Long, được ví như những đôi cánh giúp vùng đất Chín Rồng bay lên cùng đất nước. Có một sự trùng hợp thú vị là hầu hết những cây cầu này đều hoàn thành vào dịp 30.4 - Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

Cây cầu của những kỷ lục

Dù còn vài tuần nữa cầu Mỹ Thuận mới chính thức thông xe, nhưng vào dịp lễ 30.4.2000, hàng chục nghìn người dân miền Tây đã chọn đi chơi lễ bằng cách đi tham quan cầu Mỹ Thuận. Đối với người dân miền Tây chân chất, cây cầu thật sự là một kỳ quan. Lần đầu tiên trong đời, họ được tận mắt chiêm ngưỡng một công trình do bàn tay con người làm nên kỳ vĩ đến vậy.

Mới cách đó 3 năm thôi, khi mỏi mòn chờ đợi hàng buổi trên bến, rồi qua sông Tiền trên con phà chật chội, ngột ngạt, nhiều người miền Tây còn không tin khi có ai nói sắp bắc cầu Mỹ Thuận thay phà. Cho tới khi 2 trụ dây văng cao hơn 120m hiện lên lồng lộng giữa trời, rồi những nhịp cầu vươn ra giữa sông Tiền, họ mới tin đó là sự thật. Có người thống kê cầu Mỹ Thuận thiết lập hàng chục kỷ lục vào lúc ấy, như: Cây cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam, cây cầu bêtông dài nhất và cao nhất Việt Nam, cây cầu đầu tiên bắc qua sông Cửu Long, cầu có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á (660m)…

Người viết tin rằng, số người đến tham quan cầu Mỹ Thuận cũng là một kỷ lục, khi suốt 3-4 tháng trước và sau thời điểm cầu thông xe, mỗi ngày có hàng chục nghìn người đến xem cầu. Phần nhiều trong số gần 20 triệu dân miền Tây đã chờ đợi được chiêm ngưỡng cây cầu.

Ông Lê Văn Cao - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - cũng vượt gần 100km đến tham quan cầu Mỹ Thuận vào dịp 30.4.2000. Ông Cao có người bạn kháng chiến từng làm lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, nhưng chưa có dịp nào đến thăm nhà bạn, một phần vì phà đò cách trở. Lần này, ông quyết đi một chuyến “trối già”, vừa thăm bạn, vừa tham quan cầu Mỹ Thuận. Gần 80 tuổi đời, lần đầu tiên được ngắm nhìn đất nước xinh đẹp từ độ cao đến choáng ngợp, ông Cao tự nhủ, cuộc đời như thế là quá trọn vẹn, có theo ông bà cũng mãn nguyện. Mang niềm vui lớn ấy trở về, ông Cao sống được hơn 10 năm nữa, được tiếp tục đi tham quan những cây cầu khác sau đó bắc qua các nhánh Cửu Long như cầu Rạch Miễu, cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông.

Ngày hội trên đất Tây Đô

Suốt gần 3 thế kỷ tồn tại, vùng đất Tây Đô chưa khi nào nhộn nhịp bằng dịp lễ 30.4.2010. Ngay trước kỳ nghỉ lễ, vào ngày 24.4, cầu Cần Thơ đã khánh thành, thông xe. Từ ngày đó cho tới suốt những ngày nghỉ lễ, mỗi ngày luôn có hàng chục nghìn người khắp các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến tham quan cây cầu.

Ngạc nhiên, thú vị hơn cả có lẽ là hàng trăm nghìn người dân các tỉnh nam sông Hậu đi làm công nhân, làm ăn ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… về quê nghỉ lễ, không phải chờ đợi qua phà như trước, mà phóng xe máy chạy ào qua cầu. Không ai bảo ai, cứ lên đến giữa cầu là họ dừng xe, ngắm nhìn TP.Cần Thơ nằm hiền hòa bên dòng sông Hậu mênh mông, mặc cho lực lượng chức năng cấm cản dừng xe trên cầu để bảo đảm sự an toàn.

Trong những ngày ấy, có một đám cưới rước dâu qua cầu Cần Thơ, chú rể nhà ở Tây Đô, cô dâu bên thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Họ yêu nhau đã lâu, nhưng chưa đến được hôn nhân vì “sông sâu, đò ngang cách trở”. Cầu Cần Thơ thông xe giúp cho chuyện tình của họ có cái kết trọn vẹn.

Cũng trong ngày 30.4.2010, ở một góc khác của miền Tây, trên một nhánh sông Cửu Long khác - sông Hàm Luông, hàng chục nghìn người dân 3 dải cù lao tỉnh Bến Tre tưng bừng tham dự lễ thông xe cầu Hàm Luông bắc qua dòng sông huyền thoại Hàm Luông, nối liền quê hương Đồng khởi. Trước đó 1 năm, cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền đã phá thế cù lao tỉnh Bến Tre, giúp quê hương của nhà thơ Đồ Chiểu, của Nữ tướng Nguyễn Thị Định thông thương với Tiền Giang, TP.Hồ Chí Minh và cả nước. Với 4 cây cầu kể trên (Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông), về cơ bản vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã không còn bị cách trở bởi sông sâu. 

Những đôi cánh Rồng

Suốt thời gian dài, vùng Đồng bằng sông Cửu Long với gần 20 triệu dân cùng nhiều tiềm năng phải chịu lạc hậu, “kém chị kém em”, nguyên nhân chính là do sông sâu cách trở, đi lại khó khăn. Việc thu hút đầu tư gặp vô vàn khó khăn khi mà những chiếc phà chật chội “cõng” trên mình chiếc xe tải nặng đã khó, còn xe container thì đành “bó tay”.

Cầu Mỹ Thuận thông xe đã kéo theo sự ra đời của Khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long và dự án “khủng” về may mặc mang tên Mỹ Phong ở tỉnh nghèo Trà Vinh với trên 20.000 công nhân. Tỉnh Đồng Tháp cũng chứng kiến sự ra đời của các khu công nghiệp mang tên Sa Đéc, giúp thị xã nhỏ này phát triển mạnh mẽ, trở thành Thành phố Sa Đéc vào năm 2013. Làng hoa Sa Đéc từ một xóm nhỏ trồng hoa, nay vươn tầm trở thành điểm du lịch nổi tiếng cả nước cũng có phần đóng góp của “kỳ quan” cầu Mỹ Thuận cách đó khoảng 10km.

Cầu Rạch miễu thông xe đã dọn đường cho sự ra đời các khu công nghiệp sầm uất ở tỉnh Bến Tre như Long Giang, An Hiệp, Phú Thuận; đồng thời kích thích sự phát triển hàng loạt các khu công nghiệp bên này cầu thuộc tỉnh Tiền Giang như Tân Hương, Long Giang, Mỹ Tho, Trung An… Cầu Rạch Miễu cùng với cầu Hàm Luông đã “chắp cánh” cho “vương quốc hoa kiểng” Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) bay đi khắp mọi miền đất nước, xuất khẩu ra cả nước ngoài, thay vì chỉ quanh quẩn trong vùng - nơi chỉ ghe thuyền mới có thể lui tới.

Cầu Cần Thơ thông xe ngay tức thì làm thay đổi bộ mặt của vùng đất Tây Đô với khu đô thị mới mọc lên dưới chân cầu phía bờ nam. Cũng dưới chân cầu, nhưng phía bờ bắc, khu đô thị và Khu công nghiệp Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) đã ra đời như anh em sinh đôi của cầu Cần Thơ và ngày càng nhộn nhịp, sầm uất, như tô điểm thêm vẻ đẹp cho cây cầu.

Từ hiệu ứng cầu Cần Thơ, nhiều khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam sông Hậu như Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu cũng đã ra đời, ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư. Cầu Cổ Chiên nối liền Bến Tre với Trà Vinh đang thúc đẩy sự ra đời của các khu công nghiệp trên quê hương của nữ anh hùng Út Tịch. Muộn hơn cả là 2 cây cầu Cao Lãnh và Vàm Cống bắc qua sông Tiền và sông Hậu, đang kích thích mạnh mẽ phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và khu vực phía Tây Bắc TP.Cần Thơ…

Trong tháng 3.2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thị sát, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2. Các dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi, cao tốc Châu Đốc - Long Xuyên - Cần Thơ - Sóc Trăng… cũng đang được xem xét đầu tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn