MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thánh đường Mubarak rực rỡ đón Ngày hội non sông

Thanh Mai LDO | 22/05/2021 16:16

Những ngày này, Thánh đường Mubarak, nơi được ví như biểu tượng của cộng đồng người Chăm ISLAM tỉnh An Giang, trở nên rực rỡ đón sự kiện Ngày hội non sông.

Thời điểm này, đồng bào Chăm đang thực hiện nghi thức của Tháng chay (tháng Ramadal theo Hồi lịch) nên dù buôn đâu, bán đâu, mọi người vẫn tranh thủ về tề tựu bên gia đình.

Thánh đường Mubarak rực rỡ đón sự kiện Ngày hội non sông. Ảnh: TT

Vì thế rất thuận tiện để bà con tham gia thực hiện quyền làm chủ của mình với sự kiện Ngày hội non sông: đi bầu đủ, bầu đúng số lượng và nhất là có điều kiện chuẩn bị chu đáo, trang hoàng thánh đường thiêng liêng của mình rực rỡ nhất. Tại Tân Châu, Thánh đường Mubarak với kiến trúc độc đáo (được công nhận là di tích quốc gia), cùng với không gian thoáng rộng... nên được nhiều người ví như biểu tượng kiến trúc tinh thần của cộng đồng Chăm tỉnh An Giang.

Đường qua xóm Chăm rực rỡ màu sắc đón chào Ngày hội non sông. Ảnh: TT

Nơi đây không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo trong play (xóm), mà còn là điểm sinh hoạt quy mô lớn trong các sự kiện trọng đại. Vì vậy, với sự kiện bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp lần này cũng thế. Những ngày qua, thánh đường Mubarak không chỉ rực rỡ trong màu cờ, màu của những bản giới thiệu tiểu sử các ứng cử viên... mà từng mặt người trong trang phục đặc thù của những tín đồ ISLAM cũng rạng rỡ lên với những niềm tin, kỳ vọng...

Thiếu nữ Chăm trong trang phục dân tộc. Ảnh: TT

Ông Haji Jacky, Trưởng Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang cho biết: “Cùng với hệ thống chính trị ở cơ sở, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang đã thông báo đến Ban Quản trị các Thánh đường trong tỉnh, vận động đồng bào trong địa phương mình tích cực thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân của mình trước vận hội lớn của đất nước bằng cách hưởng ứng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 bằng cách đi bầu đúng, bầu đủ số lượng... Đồng thời thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép: vừa phòng chống COVID-19, vừa góp phần đưa sự kiện Ngày hội non sông thành công rực rỡ...”.

Tất cả cho thấy, người Chăm ISLAM An Giang, thành viên của đại gia đình Việt Nam trên đất An Giang đã và đang đón nhận sự kiện lớn của đất nước với tất cả niềm tin và hy vọng.

An Giang là tỉnh duy nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long có người Chăm sinh sống tập trung. Người Chăm ở An Giang sống cộng cư tại 9 xóm (play) thuộc 3 huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành và thị xã Tân Châu với khoảng 15.000 nhân khẩu. Đồng bào Chăm ở An Giang theo đạo ISLAM (tôn thờ Thánh ALAH) và xem thánh đường như trung tâm sinh hoạt tôn giáo của mình. Tại Tân Châu, người Chăm sinh sống tại xã Châu Phong, với trên 1.000 hộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn