MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thanh Hóa bảo vệ tổng đàn lợn 1,3 triệu con trước nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi

QUÁCH DU LDO | 28/11/2023 17:28

Thanh Hóa - Trước nguy cơ lây lan bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tỉnh Thanh Hóa đã ra công điện yêu cầu các địa phương, ban ngành khẩn trương triển khai nhiều biện pháp khẩn nhằm ngăn chặn, bảo vệ tổng đàn lợn 1,3 triệu con trên địa bàn toàn tỉnh.

Công điện nêu rõ, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại 44 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 20.000 con lợn.

Trong khi đó, có 4 tỉnh tiếp giáp với Thanh Hóa là Ninh Bình, Nghệ An, Sơn La, Hòa Bình đều xảy ra dịch và đến nay vẫn chưa được kiểm soát. Do đó, nguy cơ DTLCP xâm nhập, lây lan và bùng phát trên địa bàn tỉnh là rất cao, trong khi, toàn tỉnh có tổng đàn lợn lên đến 1,3 triệu con.

Thông tin cập nhật từ hệ thống quản lý dịch bệnh động vật Việt Nam về tình hình dịch tả lợn Châu Phi tại các tỉnh thành. Ảnh: M.H

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, nguy cơ lây lan và các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực trên địa bàn tổ chức triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP; phân công lực lượng chủ động triển khai giám sát dịch bệnh đến tận thôn bản, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm khi DTLCP mới xuất hiện, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, không để phát sinh ổ dịch mới.

Tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Tổ chức triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường để tiêu diệt các loại mầm bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn như: lở mồm long móng, tai xanh, nhất là vắc xin DTLCP cho đàn lợn thịt tại các đơn vị có nguy cơ dịch bệnh cao; tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, nhất là công tác quản lý vận chuyển lợn giống; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn không đúng quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn