MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa trò chuyện với bà con huyện Ngọc Lặc tích cực xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Quốc Hương

Thanh Hóa có số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới tốp đầu cả nước

Xuân Hùng LDO | 10/04/2024 17:49

Tính đến ngày 10.4, Thanh Hóa là tỉnh đang nằm trong tốp đầu cả nước về kết quả phong trào xây dựng nông thôn mới.

Đã làm được rất nhiều việc

Theo ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 của Thanh Hóa tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đã và đang đạt được những thành quả rất đáng khích lệ.

Theo đó, trong năm 2023 và quý I năm 2024, toàn tỉnh có thêm 1 đơn vị cấp huyện, 17 xã và 17 thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 14 xã và 173 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 187 sản phẩm được công nhận OCOP. Bình quân toàn tỉnh đạt 16,85 tiêu chí/xã.

Lũy kế đến nay, Thanh Hóa đã có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 363 xã và 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 97 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 23 xã, 480 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

So với các kế hoạch của tỉnh đề ra, tính riêng năm 2023, số lượng xã nông thôn mới nâng cao đạt và vượt 150% kế hoạch; số lượng sản phẩm OCOP đạt và vượt 130% kế hoạch. Thanh Hóa có số lượng xã đạt nông thôn mới thuộc tốp đầu cả nước. Số lượng sản phẩm OCOP thuộc top 5 cả nước và đa dạng về chủng loại.

Ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (phải) với sản phẩm nông nghiệp tại huyện Nông Cống. Ảnh: Trần Lâm

Theo ông Cao Văn Cường – Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, nổi bật nhất trong hoạt động xây dựng nông thôn mới là việc người dân tự nguyện hiến đất mở rộng đường.

Tính riêng giai đoạn 2021-2023, người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hiến gần 1,5 triệu m2; di dời, phá dỡ khoảng 650 nhà ở dân cư (trị giá hơn 57 tỉ đồng); phá dỡ hơn 2.400 công trình tường rào, cổng nhà, sân, nhà vệ sinh..., trị giá hơn 90 tỉ đồng. Nhân dân trong tỉnh còn đóng góp tiền mặt hơn 640 tỉ đồng và hơn 590.000 ngày công lao động (trị giá khoảng 202 tỉ đồng) để xây dựng lại tường bao, công trình công cộng mới cũng như mở rộng và hiện đại hóa hệ thống giao thông nông thôn.

Theo ông Cường, “chìa khóa” trong phong trào hiến đất xây dựng công trình công cộng, nhất là mở rộng hệ thống giao thông ở Thanh Hóa chính là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Những công trình, phần việc liên quan đến vận động nhân dân tự nguyện đóng góp phải được công khai, bàn bạc, thống nhất để tạo động lực, khơi dậy sức mạnh và nguồn lực trong nhân dân. Khi dân biết, dân bàn, dân chủ động thực hiện thì khó đến mấy cũng xong.

Còn rất nhiều việc phải làm

Theo ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Chương trình xây dựng nông thôn mới của Thanh Hóa đã và đang đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, để hoàn thành kế hoạch và đạt được kết quả như kỳ vọng còn rất nhiều khó khăn và còn rất nhiều việc phải làm.

Mô hình trồng dưa vàng trong nhà lưới tại xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân. Ảnh: Hưng Thơ

Theo ông Tuấn, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023, Thanh Hóa cũng gặp nhiều khó khăn thử thách bởi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, ảnh hưởng xung đột ở một số nước và kinh tế chưa phục hồi sau đại dịch COVID-19. Vì vậy, việc phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, kết quả thực hiện chương trình.

Một số tiêu chí, chỉ tiêu xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao được Trung ương quy định còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện. Số xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa đa số tập trung ở khu vực miền núi, có vị trí địa lý, địa hình không thuận lợi, xuất phát điểm thấp, kinh tế khó khăn, các tiêu chí còn lại chưa đạt chuẩn chủ yếu thuộc nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội.

Mục tiêu năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hóa phấn đấu có thêm 1 huyện, 19 xã và 60 thôn/bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 2 huyện và 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 10 xã và 30 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 120 sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền công nhận.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, để hoàn thành các mục tiêu đó, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn