MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm Y tế thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn sau sáp nhập, đang bỏ không. Ảnh: Quỳnh Trâm

Thanh Hoá giải bài toán trụ sở công dôi dư

Xuân Hùng LDO | 26/10/2023 06:46

Thanh Hoá vừa công bố kết quả thực hiện số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giảm sau khi sắp xếp đơn vị hành chính trong đó đã đặt ra vấn đề xử lý tài sản công dôi dư khiến dư luận bức xúc thời gian qua.

Khi trụ sở UBND xã bị bỏ hoang, để nuôi lợn

Thanh Hóa có 27 huyện, thị. Ngay từ năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành chỉ thị về việc sắp xếp này với tinh thần “chủ trương 1, biện pháp 10 và quyết tâm 20” để thực hiện tốt các chỉ đạo Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tính đến tháng 8.2023, toàn tỉnh đã giảm số đơn vị hành chính cấp xã từ 635 xã, phường, thị trấn xuống còn 559 xã, phường, thị trấn. Thanh Hóa được Trung ương đánh giá là địa phương dẫn đầu, hoàn thành xuất sắc mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và nhập thôn, tổ dân phố phù hợp định hướng, chương trình phát triển đô thị.

Thế nhưng, việc xử lý trụ sở công trở thành bài toán đau đầu. Đơn cử như năm 2019, 2 xã Quảng Phúc và Quảng Vọng (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) sáp nhập thành 1 xã và lấy tên là xã Quảng Phúc (trụ sở chính đóng tại xã Quảng Vọng cũ).

Sau khi sáp nhập, nhiều công trình như công sở, hội trường, trường tiểu học, trạm y tế (ở xã Quảng Phúc cũ) bị bỏ hoang, lãng phí. Đặc biệt, trong số các công trình bị bỏ hoang có công sở xã Quảng Phúc (xây dựng năm 2018, với tổng mức đầu tư hơn 5 tỉ đồng) mới xây xong phần thô, vừa trát vữa xong, chưa hoàn thiện và bỏ dang dở cho đến nay. Nhiều người dân tận dụng công sở mới xây, chưa sử dụng để nuôi lợn, cột trâu bò. Hội trường xã Quảng Phúc cũ (với mức đầu tư hơn 3 tỉ đồng) đã hoàn thiện và hiện nay trở thành nơi sản xuất chiếu cói...

Theo báo cáo, đối với 76 công sở là UBND xã dôi dư, tỉnh đã bố trí 12 công sở cho công an xã chính quy; 17 công sở bố trí nơi làm việc của mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội, trường mầm non, các đơn vị sự nghiệp khác. Tuy nhiên, vẫn còn tới 47 công sở bỏ hoang, chưa sử dụng hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất các phương án chuyển đổi, thanh lý đảm bảo theo quy định của pháp luật. Bên cạnh công sở, Thanh Hoá còn 820 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố dôi dư sau nhập thôn, tổ dân phố.

Xử lý phải có sự đồng thuận của nhân dân

Để khắc phục tình trạng nêu trên, UBND Thanh Hoá đã có chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý khẩn trương thực hiện rà soát, lập danh sách; tổng hợp, báo cáo tổng thể thực trạng công tác quản lý, sử dụng tài sản công và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công ở các đơn vị hành chính sau khi sắp xếp các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn.

Đối với các công trình nhà văn hóa thôn, bản, xóm, tổ dân phố dôi dư: Tỉnh Thanh Hoá yêu cầu xử lý dứt điểm theo hướng bàn giao lại cho cộng đồng dân cư quản lý, sử dụng, tạo điều kiện cho người dân tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật hiện hành.

Trường hợp đề xuất xử lý công trình dôi dư (được hình thành từ tiền hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và đóng góp của nhân dân hoặc 100% huy động nguồn đóng góp của nhân dân) theo các hình thức xử lý: "Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất" hoặc "thu hồi", phải được sự đồng thuận, thống nhất của nhân dân thôn, tổ dân phố có công trình dôi dư và phải thực hiện trình tự, thủ tục xác lập sở hữu toàn dân về tài sản theo quy định; quá trình thực hiện phải đảm bảo chặt chẽ để tránh các vấn đề khiếu kiện liên quan.

Trong khi đó, đối với các công trình trụ sở làm việc cấp xã, tài sản công dôi dư khác: Khẩn trương thực hiện thủ tục để bàn giao và đưa vào sử dụng các công trình đã có phương án bàn giao cho các cơ quan, đơn vị nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương quản lý, sử dụng; xây dựng phương án chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng công trình tài sản công dôi dư khác cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Để tránh lãng phí, hư hỏng tài sản công, UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu: Trong thời gian chưa được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý hoặc chưa tổ chức xử lý nhà, đất, tài sản công theo phương án được duyệt thì cơ quan, tổ chức, đơn vị đang quản lý, sử dụng tài sản đó phải bảo vệ, bảo quản tài sản, tránh để lấn chiếm, thất thoát...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn