MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thanh Hóa mưa lớn, lên phương án di dân ở nơi nguy hiểm trước khi bão vào

QUÁCH DU LDO | 08/09/2021 19:33
Mặc dù bão Conson chưa vào đất liền, tuy nhiên trong ngày 8.9, tại tỉnh Thanh Hóa đã có mưa rất lớn và kéo dài cả ngày. Mưa lớn khiến một số tuyến phố bị ngập cục bộ, cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét cao tại các huyện miền núi của tỉnh này. 

Trước tỉnh hình mưa lớn và ứng phó với bão Conson, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương, đơn vị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, đặc biệt là phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất...

Dù bão Conson chưa vào đất liền, tuy nhiên trong ngày 8.9, tại Thanh Hóa có mưa rất lớn và kéo dài cả ngày. Ảnh: Q.T

Công điện cũng yêu cầu các sở ngành chức năng trong tỉnh, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Conson và mưa lũ, thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo công tác huy động lực lượng lao động, phương tiện cơ giới, khẩn trương thu hoạch lúa mùa khi ruộng lúa chín từ 80% trở lên theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; ưu tiên thu hoạch trước đối với những diện tích có nguy cơ ngập úng cao.

Mưa lớn khiến một số tuyến phố bị ngập cục bộ. Ảnh: Q.T

Các địa phương khẩn trương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn và thường xuyên giữ liên lạc với thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển và ven biển để đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát dịch bệnh ở TP. Thanh Hóa phải vất vả làm việc trong thời tiết mưa lớn. Ảnh: Q.T

Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; không để người ở lại chòi canh, lồng bè khi bão đổ bộ…

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven biển, bãi sông, ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn