MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hoá. Ảnh: T.L

Thanh Hoá phấn đấu 80% dân số có tài khoản điện tử

Trần Lâm LDO | 10/11/2021 15:58
Thanh Hoá. Ngày 10.11, ông Đỗ Trọng Hưng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá đã ký ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Thanh Hoá phấn đấu đến năm 2025 là một trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số.

Đến năm 2025, Thanh Hoá có 100% hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ, khai thác từ các cơ sở dữ liệu Quốc gia; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường mạng và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 100% hồ sơ thủ tục hành chính đủ điều kiện giải quyết trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và trên các phương tiện truy cập (bao gồm cả thiết bị di động).

Đặc biệt, Nghị quyết đặt ra chỉ tiêu đến 2025, kinh tế số của Thanh Hoá chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh và đến 2030 sẽ là 30% trở lên. Giai đoạn 2021 - 2025 năng suất lao động tăng bình quân hàng năm 9,6% trở lên.

Đến năm 2025, doanh nghiệp chuyển đổi số chiếm 50% trở lên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế và đến 2030 là 80% trở lên;

Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt 50% trở lên, đến năm 2030 tỷ lệ này đạt 80% trở lên.

Theo Nghị quyết của Tỉnh uỷ Thanh Hoá, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và rất cần thiết nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của các ngành, các sản phẩm, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế của tỉnh.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài; cần phải được thực hiện đồng bộ, liên thông, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân và phải thực hiện trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng.

Để thực hiện được mục tiêu, tỉnh Thanh Hoá đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng trong đó có việc chú trọng thu hút các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông đầu tư vào tỉnh, để dẫn dắt chuyển đổi số, tạo ra thị trường và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn