MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Lễ Môn. Ảnh: Quách Du

Thanh Hoá tăng tốc phát triển nhà ở cho công nhân

Tuấn Du LDO | 03/08/2023 08:11

UBND tỉnh Thanh Hóa có đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, các địa phương liên quan rà soát lại nhu cầu nhà ở xã hội đối với công nhân lao động.

Nỗ lực triển khai nhà ở xã hội

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay số lượng công nhân đang làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa khoảng hơn 200.000 người; trong đó, có khoảng 12.000 người có nhu cầu về nhà ở.

Hiện nay, Thanh Hóa đã đầu tư xong 6 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại các khu công nghiệp với tổng diện tích sàn là 376.113m2, tương đương 2.694 căn hộ (gồm: Nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Lễ Môn, thành phố Thanh Hóa; Khu nhà ở công nhân Công ty Delta, huyện Hoằng Hóa; Khu cư xá và dịch vụ vận hành - Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, thị xã Nghi Sơn; Khu nhà ở của cán bộ công nhân Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn; Khu nhà ở và dịch vụ phục vụ Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn; Nhà ở xã hội dành cho công nhân tại khu vực phía Đông Khu công nghiệp Lễ Môn, thành phố Thanh Hóa).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển nhà ở xã hội còn gặp một số vướng mắc như: Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là quỹ đất đã có hạ tầng hiện nay rất khó khăn. Các chính sách ưu đãi về đầu tư đều có quy định cụ thể nhưng việc thực hiện gặp khó khăn do nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ của tỉnh còn khó khăn, chưa huy động được nhiều nguồn vốn khác…

Đối với dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại Thanh Hoá chậm tiến độ, Sở Xây dựng Thanh Hoá chỉ ra nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng dự án chậm; chủ đầu tư chậm triển khai đầu tư xây dựng đối với phần diện tích đất đã được giao, khả năng quản lý việc đầu tư xây dựng cho các dự án chưa khoa học... và một số nguyên khách quan do hậu quả nặng nề từ đại dịch COVID-19 làm nền kinh tế ảnh hưởng, giá vật liệu có thời điểm diễn biến bất thường theo hướng tăng cao...

Về vấn đề giao đất cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có 15 dự án đã được giao đất, 3 dự án chưa được giao đất; trong các dự án đã được giao đất, đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 12 chủ đầu tư của 12 dự án và 3 dự án chưa được cấp (do đang thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước là Dự án ECO3, Hoàng Long, Bắc Miền Trung); và có 7 dự án cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua tài sản, 8 dự án chưa thực hiện…

Công nhân khát nhà ở xã hội

Bà Trịnh Thị Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa cho hay, hiện nay, nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân lao động trên địa bàn là rất bức thiết, đặc biệt đối với những công nhân ở các huyện miền núi xuống làm việc ở các khu công nghiệp ở miền xuôi. Bà Hoa kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm có những dự án nhà ở công nhân, xây dựng thiết chế công đoàn hỗ trợ công nhân lao động, đặc biệt tại các khu công nghiệp của tỉnh; cho phép LĐLĐ tỉnh tham gia từ khâu lên kế hoạch đến xây dựng, vận hành nhà ở công nhân cho sát đúng đối tượng và hiệu quả.

Về vấn đề này, ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, đối với 10 dự án đảm bảo tiến độ và đưa vào sử dụng giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, thành phố Thanh Hóa làm việc với các chủ đầu tư của các dự án này để rà soát lại các hạng mục còn chậm tiến độ nhằm giải quyết đứt điểm trong quý III năm 2023, Sở Xây dựng chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể đến trách nhiệm từng sở, ngành, đơn vị liên quan, trách nhiệm của chủ đầu tư, đồng thời đề xuất những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn