MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và ngài Hanazumi Hideyo - Thống đốc tỉnh Niigata (Nhật Bản) trao bản ghi nhớ hợp tác giữa hai tỉnh, tháng 11.2023. Ảnh: T.L

Thanh Hóa và những dấu ấn quan trọng nửa nhiệm kỳ

Trần Lâm LDO | 14/12/2023 09:22

Thanh Hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với dự báo, đặc biệt là đại dịch COVID-19… đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn, thách thức; tranh thủ tối đa những điều kiện thuận lợi; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Đột phá về tăng trưởng kinh tế

Về kinh tế, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng khá, năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế ngày càng tăng.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước; tuy thấp hơn mục tiêu đề ra (11%), nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỉ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.

Thanh Hóa đã và đang triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: T.L

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện. Các ngành dịch vụ phục hồi nhanh và tiếp tục phát triển, trong đó có một số lĩnh vực phát triển mạnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 7,95%/năm. Dịch vụ thương mại phát triển mạnh theo hướng văn minh, hiện đại; năm 2023 quy mô thị trường đứng thứ 7 cả nước.

Hoạt động du lịch đã có sự phục hồi nhanh và tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2022 và năm 2023; tổng lượng khách du lịch giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 26,5 triệu lượt khách, tăng bình quân 17,8%/năm; tổng thu du lịch ước đạt 49.266 tỉ đồng, tăng bình quân 32,5%/năm. Doanh thu vận tải tăng bình quân 24,1%/năm.

Tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm (2021 - 2023) ước đạt 132.418 tỉ đồng, hằng năm đều vượt dự toán; trong đó năm 2022 đạt 51.173 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân hằng năm ước đạt 11,3%, cao hơn mục tiêu Nghị quyết (tăng 10% trở lên).

Giai đoạn 2021 - 2023, thu hút được 201 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 29 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký 38.665 tỉ đồng và 366,7 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án với số vốn tăng thêm 90,9 triệu USD.

Hoạt động đầu tư công được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt; việc bố trí vốn đầu tư được thực hiện tập trung, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên đầu tư các công trình quan trọng, hạ tầng phục vụ sản xuất, hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực miền núi, hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh.

Công tác phát triển doanh nghiệp được chú trọng. Giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh ước thành lập mới 10.700 doanh nghiệp, đạt 71,3% mục tiêu Nghị quyết (15.000 DN), đứng thứ 7 cả nước; tổng vốn điều lệ đăng ký 112 nghìn tỉ đồng. Ước đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt 5,6 doanh nghiệp/1.000 dân.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Cảng hàng không Thọ Xuân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành Cảng hàng không quốc tế. Cảng biển Thanh Hóa là cảng biển loại I, đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch tiềm năng trở thành cảng đặc biệt. Hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được ưu tiên đầu tư…

Phát triển văn hóa, thúc đẩy kinh tế đối ngoại

Văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của Nhân dân ổn định. Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai thực hiện chủ động, hiệu quả nên đã hạn chế được tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hoá phi vật thể được quan tâm thực hiện; có thêm 7 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh lên 18 di sản. Thể thao thành tích cao đạt kết quả tích cực; từ năm 2021 đến nay, các vận động viên của tỉnh giành được 960 huy chương các loại ; Câu lạc bộ Bóng đá Đông Á Thanh Hóa giành chức vô địch Cúp Quốc gia và Siêu Cúp Quốc gia năm 2023; đội tuyển U19 Thanh Hóa giành chức vô địch Giải bóng đá U19 quốc gia năm 2023.

Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả tích cực. Giai đoạn 2021 - 2023, học sinh của tỉnh đạt 4 huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế và 175 giải các loại tại các Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT; năm 2023, lần đầu tiên Thanh Hóa có học sinh đoạt giải Nhất cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia.

Ông Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (phải) và ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vinh danh em Nguyễn Xuân Mạnh - học sinh đoạt giải Nhất cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023. Ảnh: T.L

Hoạt động đối ngoại, nhất là kinh tế đối ngoại được tăng cường, đạt hiệu quả thiết thực. Tỉnh đã tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào); duy trì mối quan hệ với thành phố Seongnam (Hàn Quốc), tỉnh Mittelsachsen (CHLB Đức); xúc tiến việc thiết lập quan hệ với tỉnh Niigata (Nhật Bản).

Phối hợp tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, 50 năm Việt Nam - Nhật Bản tại Thanh Hóa, Tuần lễ văn hóa hữu nghị Thanh Hóa - Hủa Phăn năm 2022, hội nghị hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh Thanh Hoá - Nghệ An - Hà Tĩnh. Thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đặc biệt tỉnh Thanh Hóa, Bộ phận hỗ trợ Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa (Japan Desk). Lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, các Tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để kêu gọi, giới thiệu cơ hội đầu tư vào tỉnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn