MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị H cầm cố cả sổ đỏ để có thể có tiền chuyển cho người môi giới. Ảnh: H.L

Thanh niên đi bốc vác, cắm sổ đỏ, gánh nợ suốt 3 năm vì ôm mộng xuất khẩu lao động

PHI LONG - HỮU LIỀU LDO | 05/04/2022 12:06
QUẢNG BÌNH - Nhiều năm qua, xu hướng xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang là lựa chọn của rất nhiều người, đặc biệt là các lao động trẻ. Lợi dụng điều này, nhiều kẻ đã dựng lên các trung tâm môi giới “ma”, lừa đảo hàng trăm triệu đồng của những người có nhu cầu XKLĐ.

Vay mượn, dành dụm để làm hồ sơ XKLĐ

Vừa học hết THPT, anh L.H.N (SN 2000, trú tại thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã nuôi mộng đi Úc làm việc, kiếm tiền nuôi gia đình nên đã lên mạng tìm hiểu.

Qua thời gian tìm hiểu trên các trang mạng xã hội, anh N được một người tên Hiền, trú tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, được cho là người chuyên môi giới cho lao động xuất khẩu giới thiệu đến một trung tâm tư vấn du học có địa chỉ tại TPHCM.

Sau đó, phía trung tâm môi giới này yêu cầu chi phí để đi Úc là 313 triệu đồng và yêu cầu N nộp để làm các thủ tục.

Dù đã có sự đề phòng, nhưng N vẫn sập bẫy của những kẻ lừa đảo này.

“Em được giới thiệu thì liền vào TPHCM liên hệ. Họ nói muốn đi Úc thì chi phí là 313 triệu đồng và yêu cầu nộp để làm thủ tục. Họ cũng làm biên bản nhận tiền, hợp đồng và hứa nếu trượt visa thì sẽ hoàn trả lại tiền và hồ sơ nên em mới tin. Nhưng từ đó đến nay đã 2 năm rồi mà chẳng thấy trung tâm thông tin lại”, anh N buồn bã chia sẻ.

Với 4 lần chuyển tiền, chị H đã chuyển cho người môi giới số tiền lên đến 12.500 Euro. Ảnh: H.L

Trong vòng 2 năm qua, N đã liên tục liên lạc để yêu cầu hoàn lại tiền và hồ sơ nhưng phía trung tâm môi giới này vẫn bặt vô âm tính. N cũng đã nhờ người quen ở TPHCM đến trụ sở của trung tâm môi giới này, nhưng đến đây thì mới vỡ lẽ khi trung tâm này đã chuyển địa điểm, mất thông tin liên lạc.

Anh N cho biết, số tiền này là số tiền mà bố mẹ anh đã phải vay mượn khắp nơi để cho anh đi nước ngoài nhưng lại bị lừa, giờ cả gia đình đang phải gánh nợ ngân hàng. Bản thân anh N gần đây phải vào cảng cá gần nhà để xin bốc vác thuê, cố gắng kiếm tiền trả nợ.

Không chỉ anh N, cùng làng với anh còn có chị N.T.H (SN 1987) cũng là một trong những người đã bị lừa vì tin vào các trung tâm môi giới “ảo” này.

Theo chị H, để có thể sang Đức lao động, chị đã phải cầm cố nhà cửa để chuyển tiền cho người môi giới 4 lần, với tổng số tiền là 12.500 Euro (tương đương hơn 300 triệu đồng) nhưng đến nay, việc XKLĐ của chị H vẫn chưa có tiến triển gì.

"Ở nhà không có việc làm, khó khăn quá nên tôi cắm sổ đỏ, nhờ người giới thiệu đi Đức lao động. Vì tin tưởng, tôi đã chuyển hơn 300 triệu đồng, họ cũng hứa ít tháng sẽ có lịch bay, thế nhưng mấy năm rồi vẫn chưa đi được, mà tiền thì cũng chẳng thể lấy lại", chị H cho hay.

Đến nay đã 3 năm, thế nhưng chị H vẫn chưa thể đi Đức như lời hứa mà người môi giới đã nói với chị. Trong khi đó, số nợ và lãi ngân hàng hàng ngày vẫn đang đè nặng lên đôi vai gia đình chị. Dù nhiều lần gọi điện cho người giới thiệu, nhưng chị H chỉ nhận lại sự im lặng, thậm chí còn nhiều lần bị đe dọa.

Người dân cần cảnh giác, tránh “tiền mất tật mang”

XKLĐ là một trong những hướng đi dẫn đến thành công đã được nhiều người kiểm chứng và thực hiện, khi mức lương tại các quốc gia khác cao hơn nhiều so với mức lương tại nước ta. Nhưng ngược lại, cũng có nhiều trường hợp gánh nợ vì giấc mơ xuất ngoại.

Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Quảng Bình, địa phương này hiện có khoảng 11.500 lao động đang làm việc tại nước ngoài, tập trung ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…

Anh N hiện đang phải đi làm bốc vác thuê để trả nợ số tiền bị lừa đảo vì giấc mơ XKLĐ. Ảnh: H.L

Với sự phát triển của mạng xã hội, chiêu trò lừa đảo của các đối tượng môi giới xuất khẩu lao động, các trung tâm "ma" khiến rất nhiều người sập bẫy do không tìm hiểu kỹ, cũng như thiếu trang bị kiến thức quy định pháp luật về xuất khẩu lao động.

Trong đó, nhiều người lao động đến từ các vùng quê, miền núi, vùng sâu, vùng xa cho nên thông tin, kiến thức còn hạn chế. Thậm chí, một số người chủ quan, quá hào hứng với những lợi ích được các “cò” môi giới “vẽ” ra, dù đã có không ít cảnh báo từ các cơ quan chức năng về các thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động này.

Theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã lợi dụng nhu cầu của người dân để lừa đảo tuyển chọn, đào tạo và thu tiền trái pháp luật.

Trong khi đó, nhiều người có nguyện vọng đi nước ngoài làm việc lại không đến các trung tâm uy tín, được cấp phép theo đúng quy định mà thông qua "cò" môi giới, điều này dẫn đến nhiều rủi ro.

Bà Lan cũng khuyến cáo, người lao động khi có nhu cầu đi nước ngoài cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật, đến các trung tâm có uy tín, các đơn vị chức năng để được tư vấn, tránh tình trạng bị các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn