MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kẹt xe trên đường Đồng Văn Cống gần khu vực cảng Cát Lái, quận 2 (TPHCM). Ảnh: MQ

Thành phố Hồ Chí Minh thu phí hạ tầng cảng biển: Cần minh bạch nguồn thu và cam kết đầu tư hạ tầng

MINH QUÂN LDO | 11/12/2020 07:17

“Đề án Thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TPHCM” vừa được HĐND TPHCM thông qua, kỳ vọng thu hơn 3.000 tỉ đồng mỗi năm để đầu tư hạ tầng giao thông nhằm giảm ùn tắc cho khu vực cảng biển. Nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí và mục đích sử dụng là đúng, song TPHCM cần có một kế hoạch, cam kết cụ thể về danh mục đầu tư các dự án trong thời gian tới.

Kẹt cả ngày lẫn đêm đường vào cảng

Từ 9h-10h sáng 10.12, chúng tôi có mặt tại giao lộ Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định (nút giao thông Mỹ Thủy), dòng xe tải, xe container xếp hàng nối đuôi nhau di chuyển chậm chạp về hướng cảng Tân Cảng Cát Lái. Trên đường Đồng Văn Cống, nhiều xe tải chôn chân tại chỗ. Dòng xe chạy trên đường Mai Chí Thọ từ hướng xa lộ Hà Nội đổ về cảng Cát Lái cũng phải nhích từng chút một.

Theo tài xế xe container Nguyễn Công Danh (quận Tân Bình), khu vực này kẹt xe cả ngày lẫn đêm. Vào 4 khung giờ cao điểm 6h-10h sáng, 13h-15h chiều, 16h-18h tối và 2h-4h sáng mỗi ngày, hầu hết các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái kẹt cứng, xe tải xếp hàng dài trên đường. Đặc biệt, từ ngày thứ tư đến thứ sáu hằng tuần kẹt xe rất nghiêm trọng, có khi mất 3-4 tiếng chưa qua được đoạn kẹt xe này.

Theo Sở GTVT TPHCM, chỉ tính riêng khu vực cảng Cát Lái, trung bình mỗi ngày có khoảng 19.000 - 20.000 ôtô ra vào thông qua các tuyến đường Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống. Đặc biệt, có một số ngày lên đến 26.000 lượt xe ra vào dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông.

Theo số liệu kiểm đếm của Sở GTVT, thời gian quay vòng xe tải vào Cát Lái để lấy hàng là hai chuyến/ngày, còn xe container chỉ 1,5 chuyến/ngày. Điều nguy hiểm là do không có làn đường chuyên dụng cho xe container ra vào cảng mà phải chạy chung với các phương tiện khác nên tốc độ bị giảm, đặc biệt tai nạn giao thông nghiêm trọng thường xảy ra.

Hệ thống cảng biển TPHCM không chỉ có Cát Lái mà gồm nhiều cảng khác trải dài qua các quận 2, 4, 7, 9 và huyện Nhà Bè. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại TPHCM năm 2019 đạt khoảng 170 triệu tấn, chiếm hơn 1/4 trong tổng 600 triệu tấn của cả nước xuất qua cảng. Hệ thống cảng ở thành phố có nhiều lợi thế về năng lực khai thác, gần các khu công nghiệp, chế xuất. Các tuyến sông Đồng Nai, Sài Gòn, Soài Rạp... có mạng lưới hàng hải quốc tế dày đặc, đáp ứng các loại tàu thuyền ra vào. Tuy nhiên, ùn tắc giao thông đã kìm hãm khả năng khai thác, phát triển các cảng ở TPHCM.

Lo tăng chi phí logistics

Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp nhưng nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông kết nối cảng biển ngày càng lớn, Sở GTVT TPHCM đã xây dựng “Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TPHCM” và được HĐND TPHCM thông qua. Mức thu cao nhất là 4,4 triệu đồng/container, mức thấp nhất là 15.000 đồng/tấn đối với hàng rời không đóng trong container. Với số lượng hàng hóa của năm 2019 hơn 170 triệu tấn thì dự kiến TPHCM thu hơn 3.000 tỉ đồng mỗi năm. Cảng Cát Lái là nơi đầu tiên triển khai thu phí từ tháng 7.2021, sau đó tháng 8 sẽ thu phí ở tất cả cảng còn lại tại thành phố.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, đồng tình việc thu phí hạ tầng cảng biển, song vẫn lo ngại nhiều vấn đề. Theo ông Quản, khi áp dụng thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển, đồng nghĩa giá thành hàng hóa, vận tải sẽ tăng, đặc biệt với hàng xuất nhập khẩu. Như vậy sẽ giảm sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cũng theo ông Quản, với hoạt động hiện nay ở các cảng biển trên địa bàn TPHCM thì mức thu được không nhỏ, song cần xác định sử dụng số tiền đó quay lại đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường vào các khu cảng. "Bởi khi đó đường sẽ giảm kẹt xe, kéo theo chi phí logistics thấp, góp phần quan trọng vào việc thuận lợi hóa thương mại, tạo giá trị gia tăng và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu" - ông Quản đánh giá.

Trong khi đó, ông Phạm Quốc Long - Chủ tịch Hiệp hội đại lý và Môi giới Hàng hải Việt Nam - cho rằng, việc TPHCM thu phí hạ tầng cảng biển sẽ làm cho chi phí logistics tăng. Điều này ảnh hưởng đến các hãng tàu, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá, làm cho chi phí xuất nhập khẩu tăng lên và cuối cùng là người tiêu dùng phải chịu khoản phí này. Cũng theo ông Long, TPHCM nói việc thu phí sẽ sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông cảng biển, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics. “Vậy thì bao giờ làm đường xong, bao giờ hết tắc đường vào cảng?” - ông Long đặt vấn đề.

Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM - số tiền thu được sẽ dùng để đầu tư các công trình giao thông kết nối cảng biển chứ không đầu tư dàn trải nơi khác. Trước mắt, khu vực cảng Cát Lái (quận 2) và Phú Hữu (quận 9) sẽ làm ngay các dự án như mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh, Võ Chí Công; hoàn chỉnh nút giao Mỹ Thủy, khép đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức)... Tại khu cảng Sài Gòn (quận 4) sẽ đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 để giảm ùn tắc nút giao Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư và Nguyễn Văn Linh…

“Trong danh mục chi tiết các dự án đầu tư, ngoài mức độ ưu tiên từng công trình, chúng tôi đưa ra cam kết về thời gian, tiến độ hoàn thành từng dự án” - ông Lâm khẳng định.

Về lo ngại thu phí hạ tầng cảng biển sẽ làm tăng chi phí logistics, ông Trần Quang Lâm khẳng định, phí này chiếm tỉ lệ không lớn trong tổng chi phí của một tấn hàng hóa xuất nhập khẩu, khoảng 4%. Theo ông Lâm, hiện nay dịch vụ logistics trong nội cảng tương đối tốt nhưng khi ra ngoài cảng lại ùn tắc, kẹt xe, khiến tổng chi phí logistics tăng lên. Khi hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh, mỗi ngày doanh nghiệp có thể vận chuyển nhiều chuyến hàng, sẽ góp phần kéo giảm chi phí này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn