MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động xuất nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái sau ngày 8.1.2023. Ảnh: Đoàn Hưng

Thành phố Móng Cái đang "dọn tổ đón đại bàng"

Đoàn Hưng LDO | 23/01/2023 20:20

Quảng Ninh – Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái có diện tích lớn nhất trong các khu kinh tế của Việt Nam, hội tụ đầy đủ các tiềm năng phát triển mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, đặc biệt là trong kinh tế biên mậu. Vậy thành phố vùng biên này đã, đang và cần làm gì để đón đầu cơ hội phát triển kinh tế biên mậu? Phóng viên Lao động đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Bá Nam – Bí thư thành ủy Móng Cái.

Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, cửa khẩu số thông minh

- Ông nhận định như thế nào về những tiềm năng, lợi thế riêng biệt của địa phương để có thể phát triển bứt phá kinh tế biên mậu?

Móng Cái là vùng đất “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, hội tụ đầy đủ các điều kiện, yếu tố cần thiết để phát triển bứt phá kinh tế biên mậu trong thời gian tới. Cụ thể:

Có vị trí địa chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại đặc biệt: nằm ở cực tăng trưởng phía Bắc Tổ quốc, là một trong 8 Khu Kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia được Chính phủ tập trung ưu tiên nguồn lực để phát triển; là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Ninh, là thành phố sát với thị trường lớn Trung Quốc; là cầu nối trực tiếp trong thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, ASEAN và Đông Bắc Á, được tỉnh Quảng Ninh xác định là 1 trong 2 “mũi đột phá” trong chiến lược phát triển. Đến nay, Thành phố đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040.

Thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh Quảng Ninh, kết cấu hạ tầng của Móng Cái, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Gần đây nhất, tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, con đường của “ý Đảng, lòng Dân” đã đi vào hoạt động là chìa khóa, động lực cho Móng Cái phát triển đột phá về thu hút đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch, logistic.

Kể từ khi dịch COVID–19 bùng phát, TP Móng Cái luôn giữ địa bàn an toàn để phát triển. Những nỗ lực thực hiện chuyển đổi số cửa khẩu số thông minh của Thành phố đã mở ra cơ hội mới, lợi thế cạnh tranh tốt cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu phát triển bền vững.

Cùng với đó, truyền thống đoàn kết, các lợi thế về quỹ đất, con người, điều kiện tự nhiên và khí hậu… là những tiềm lực quan trọng để Móng Cái có thể vươn tầm phát triển mới. 

Ông Hoàng Bá Nam – Bí thư thành ủy Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đoàn Hưng

- Mới đây, Trung Quốc đã hạ cấp độ phòng dịch và mở cửa biên giới. Tính đến thời điểm hiện tại, chính sách này đã giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu của địa phương có những chuyển biến ra sao, thưa ông?

Chỉ tính riêng trong tuần đầu tiên thông quan (từ ngày 8 – 16.1), tổng trọng lượng hàng hóa XNK đạt 34.074 tấn hàng, lũy kế từ 1.1 đến nay, hàng hóa XNK đạt 60.913 tấn, tăng 68,92% so cùng kỳ 2022.

Để chủ động nắm bắt cơ hội phát triển, thời gian tới, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất, thông thoáng nhất, ưu đãi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu, xứng tầm tiềm năng, lợi thế của thành phố “giáp biên, giáp biển”.

Cửa khẩu Cầu Bắc Luân 2, TP Móng Cái. Ảnh: Đoàn Hưng

“Dọn tổ đón đại bàng”

- Một trong những cách làm mà rất nhiều các trung tâm biên mậu lớn trên thế giới đã thực hiện là mời gọi các nhà đầu tư chiến lược đến thực hiện nhiều dự án lớn. Với Móng Cái, địa phương đã và đang làm những gì để thuyết phục nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư vào Móng Cái?

Móng Cái tập trung cao độ, tạo niềm tin chiến lược cho các doanh nghiệp đang thực hiện các dự án phát triển tại thành phố, tiếp tục “mở cửa”, “dọn tổ đón đại bàng” với các chiến lược đồng bộ, đó là:

Kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.

Thực hiện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch - coi đây là công cụ “đi trước, mở đường”, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Triển khai các thủ tục hành chính đơn giản, công khai minh bạch theo tinh thần “5 tại chỗ” (gồm: tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, ký duyệt, đóng dấu và trả hồ sơ), tạo môi trường đầu tư kinh doanh thật sự thông thoáng với thông điệp: “Cùng đi - cùng đến - cùng chia sẻ lợi ích - cùng hướng tới thành công”.

Toàn cảnh thành phố Móng Cái. Ảnh: Đoàn Hưng

Các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển trong khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái được hưởng đầy đủ các cơ chế ưu đãi với mức cao nhất theo các quy định đang có hiệu lực trên lãnh thổ Việt Nam.

Về lâu dài, thành phố kiên trì đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù “Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Móng Cái, Việt Nam – Đông Hưng, Trung Quốc”, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển Thành phố.

- Để hiện thực hóa khát vọng phát triển kinh tế biên mậu, chắc hẳn địa phương đã có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực – một trong những điều kiện đầu tiên, kiên quyết của mọi bản kế hoạch?

Địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, thực hiện lộ trình đưa thành phố Móng Cái lên đô thị loại I trước năm 2030  gắn với tiêu chí cán bộ “6 dám, 5 thật” đủ uy tín, ngang tầm nhiệm vụ phục vụ sự phát triển chung.

Móng Cái triển khai các thủ tục hành chính đơn giản, công khai minh bạch theo tinh thần “5 tại chỗ”. Ảnh: Đoàn Hưng

Thay đổi tư duy, cách thức đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn và liên kết phát triển nguồn lao động có tay nghề, lao động kỹ thuật, nguồn nhân lực chất lượng cao theo phương châm “nhập cư lao động, hợp tác chuyên gia, đào tạo tại chỗ”.

Dành quỹ đất sạch (20% đất ở xã hội) kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và các thiết chế văn hóa thể thao giúp người lao động ổn định cuộc sống, tạo niềm tin, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, với thành phố.

- Xin cảm ơn ông !

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn