MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến hoàn thành cuối năm 2021 sẽ giúp việc đi lại giữa Thành phố Thủ Đức và trung tâm TPHCM được thuận tiện hơn. Ảnh: Minh Quân

Thành phố Thủ Đức cần 300.000 tỉ đồng cho giao thông

MINH QUÂN LDO | 02/11/2020 17:47

Sở GTVT TPHCM tính toán giai đoạn 2020-2030, Thành phố Thủ Đức cần khoảng 300.000 tỉ đồng để đầu tư giao thông hiện đại, đồng bộ phục vụ đi lại cho người dân và kết nối liên vùng, liên khu vực.

Kế hoạch hành động về xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao tại khu Đông gồm 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức – nơi sẽ là Thành phố Thủ Đức trong tương lai vừa được Sở GTVT TPHCM ban hành đề ra các giải pháp mang tính đột phá nhằm phát triển giao thông cho khu vực này.

Cụ thể, về giải pháp phát triển theo hướng đô thị thông minh, Thành phố Thủ Đức sẽ được đầu tư hệ thống camera giám sát thông minh, hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu giao thông ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và triển khai số hóa cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông.

Về giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng, Thành phố Thủ Đức sẽ bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông, trong đó có bổ sung quy hoạch xây cầu Cát Lái nối với Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Đồng thời, khu vực này sẽ triển khai các dự án kết nối liên vùng, liên khu vực như khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3. Xây dựng các cầu lớn vượt sông như: Cầu Thủ Thiêm 3, 4, các cầu kết nối khu bán đảo Thanh Đa... Cải tạo các nút giao thông chính để chống ùn tắc: An Phú, Mỹ Thủy, Thủ Đức...

Ngoài ra, phát triển các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như: metro số 1, kéo dài metro số 1, giai đoạn 2 của metro 2, metro 3b; các tuyến đường sắt quốc gia: tuyến Trảng Bom - Hòa Hưng, tuyết đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành...

Hạ tầng giao thông tại khu vực quận 2, quận 9, quận Thủ Đức tiếp tục được tập trung đầu tư trong thời gian tới. Ảnh: Anh Tú

Đối với giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng, Thành phố Thủ Đức sẽ được mở rộng mạng lưới xe buýt và đầu tư xe buýt nhanh (BRT). Trong đó, đưa vào vận hành khai thác tuyến BRT số 1 trong năm 2021 và thông qua đầu tư tuyến BRT số 4.

Sở GTVT TPHCM cũng sẽ phối hợp với tỉnh Bình Dương và Đồng Nai nghiên cứu mở rộng mạng lưới giao thông đường sắt đô thị trên địa bàn các quận hướng Đông và định hướng kéo dài tuyến metro số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.

Để phát triển mạng lưới giao thông thủy, Thành phố Thủ Đức sẽ được đầu tư hạ tầng kết nối đường bộ, đường thuỷ với cảng biển; xây cảng cạn (ICD) Long Bình ở sông Đồng Nai và ICD trong Khu công nghệ cao trên rạch Ông Nhiêu (quận 9); xây dựng mạng lưới taxi thủy, buýt sông...

Sở GTVT TPHCM xác định nhu cầu vốn để đầu tư cho hạ tầng giao thông Thành phố Thủ Đức trong 10 năm tới là khoảng 300.000 tỉ đồng, gồm hơn 83.000 tỉ đồng từ vốn ngân sách, còn lại các nguồn vốn khác (Trung ương, xã hội hóa, ODA...).

Thành phố Thủ Đức dự kiến được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) với diện tích hơn 211 km2, quy mô dân số hơn 1 triệu người.

Với những lợi thế hiện có, Thành phố Thủ Đức dự kiến sẽ đóng góp 30% GRDP cho TPHCM và chiếm 7% GDP cả nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn