MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nước chảy cuồn cuộn sau mưa trên đường Võ Văn Ngân (Thành phố Thủ Đức). Ảnh: Minh Quân

Thành phố Thủ Đức đặt mục tiêu 5 năm mới ngập 1 lần

MINH QUÂN LDO | 19/01/2021 19:00
Đến năm 2040, Thành phố Thủ Đức đảm bảo chống ngập tần suất 80%, tức 5 năm mới xảy ra ngập 1 lần.

UBND TPHCM vừa phê duyệt Đề án hình thành và phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông - Thành phố Thủ Đức giai đoạn 2020 – 2035.

Về mục tiêu đóng góp phát triển kinh tế, trong 5 năm đầu tiên, Thành phố Thủ Đức sẽ có tỉ trọng GDP tăng trưởng 100%, số lượng phát minh sáng chế tăng trưởng 100%, có 500.000m2 sàn văn phòng hạng A, tăng 50% diện tích sàn các công trình giáo dục so với hiện nay và có 20.000 công việc trình độ cử nhân, kỹ sư trở lên.

Tại Thành phố Thủ Đức, giao thông công cộng đáp ứng 50% - 60% nhu cầu đi lại; mạng lưới đường trục chính đô thị cần hoàn thiện với khoảng cách giữa các tuyến đường từ 4-6 km.

Đáng chú ý, 10% diện tích Thanh phố Thủ Đức sẽ là công viên. Trong đó, 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập (tương đương 630ha đất làm hồ điều hòa). Đến năm 2040, đảm bảo chống ngập cho Thành phố Thủ Đức tới tần suất 80%, tức 5 năm mới xảy ra ngập 1 lần.

Đề án chia quá trình phát triển Thành phố Thủ Đức làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 khởi tạo (2020 – 2022); giai đoạn 2 triển khai (2023 - 2030); giai đoạn 3 hoàn thiện (2030 - 2040).

Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ thành lập cơ quan quản lý - chính quyền đô thị; dự thảo cơ chế đặc thù - cơ chế phối hợp, hợp tác, cộng tác; xây dựng các bộ tiêu chí và công cụ quản lý; xây dựng dự án thí điểm - ngắn hạn - trung hạn - dài hạn; tạo quỹ đất và kế hoạch sử dụng đất…

Diện tích phát triển trong giai đoạn đầu là 100ha. Tập trung chính vào các trụ cột kinh tế sáng tạo có sẵn như Khu công nghệ cao, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Đại học Quốc gia.

Trong giai đoạn 2, TPHCM đặt mục tiêu phát triển diện tích khoảng 500ha, trong đó diện tích khu công nghiệp sáng tạo là 150ha.

Nhiệm vụ trong giai đoạn này là nhà nước triển khai thực hiện các dự án đầu tư - giao thông - hạ tầng - hạ tầng số, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tàu triển khai đầu tư chiến lược. Bên cạnh đó, tạo hiệu ứng xã hội, quốc tế về triển khai chiến lược thông qua diễn đàn trao đổi, xúc tiến đầu tư và hợp tác quốc tế.

Giai đoạn 3, chiến lược đầu tư mở rộng đối với tất cả các nhóm ngành kinh tế, đẩy mạnh phát triển đối với nhóm ngành ưu tiên (đã triển khai đầu tư trong giai đoạn 2), xây dựng chính sách lan tỏa phát triển toàn khu vực phía đông TP và vùng phụ cận trên địa bàn TPHCM.

Để có thể hoàn thành các mục tiêu trên, trước mắt trong giai đoạn 2020 – 2025, nhu cầu vốn của Thành phố Thủ Đức là 41.660 tỉ đồng (bao gồm vốn ngân sách, vốn đi vay, phát hành trái phiếu). Trong đó, vốn đầu tư hạ tầng hơn 30.000 tỉ đồng; chống ngập hơn 6.400 tỉ đồng; chuyển đổi số 4.400 tỉ đồng,…

Thành phố Thủ Đức trực thuộc TPHCM được thành lập trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức, rộng khoảng 211 km2, dân số hơn 1 triệu người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn