MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc Thủ Đức nhìn từ trên cao hướng về trung tâm TPHCM. Ảnh: Anh Tú

Thành phố Thủ Đức sau một năm thành lập: Cần cơ chế, chính sách đặc thù để bứt phá

MINH QUÂN-HUYỀN TRÂN LDO | 22/02/2022 11:41

Khi thành lập, Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng sẽ đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cho TPHCM và 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước, trở thành trung tâm khoa học, công nghệ cao cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Thực tế, sau hơn một năm thành lập, trái với kỳ vọng lớn lao đó, Thành phố Thủ Đức vẫn phát triển nhạt nhòa và đang rất cần các cơ chế, chính sách đặc thù để bứt phá.

Cán bộ nghỉ việc, thiếu cơ chế đột phá

Phường Hiệp Bình Chánh là một trong những phường đông dân nhất tại Thành phố Thủ Đức với hơn 100.000 người. Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, từ khi chưa sáp nhập lên Thành phố Thủ Đức, phường đã thiếu hụt cán bộ ở rất nhiều vị trí. Khi Thành phố Thủ Đức đi vào hoạt động, vấn đề nhân sự vẫn chưa được khắc phục.

“Phường có 32 cán bộ, công chức đang làm việc và ngày nào cũng đầu tắt mặt tối từ sáng đến 6-7 giờ tối mới đáp ứng tương đối việc giải quyết hồ sơ cho người dân. Có người chịu không nổi đã phải xin nghỉ việc” - ông Tuấn nói.

Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, khối lượng công việc tăng nhiều lần, nhưng việc phải giảm biên chế theo đề án về thành lập Thủ Đức mà Quốc hội duyệt gây áp lực rất lớn lên công tác tổ chức bộ máy và gây tâm lý lo lắng cho cán bộ, công chức. Cụ thể, năm 2021 Thành phố Thủ Đức đã giảm từ 631 biên chế xuống 585 biên chế và trong năm nay phải giảm xuống 459 biên chế.

Theo ông Tùng, Thành phố Thủ Đức hiện vận hành như một đơn vị hành chính cấp huyện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chỉ khác các quận là có tổ chức HĐND. Vì vậy, trong tất cả quy định liên quan thành phố đều phải tuân thủ về tổ chức bộ máy nhân sự.

“Đây là hạn chế lớn nhất khi sáp nhập, vì công việc, con người tăng nhưng đầu mối giảm” - ông Tùng nói. Trước khó khăn này, UBND Thành phố Thủ Đức kiến nghị giữ nguyên số biên chế 585 người như hiện nay.

Cùng với vấn đề nhân sự, cơ chế tài chính cũng là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển thành phố Thủ Đức. Cụ thể, Thành phố Thủ Thủ Đức hiện không có gói ngân sách được phân bổ từ Quốc hội mà nằm chung trong gói ngân sách của TPHCM. Do đó, chỉ tiêu ngân sách hằng năm sẽ do HĐND TPHCM phân bổ. Trong năm qua, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố Thủ Đức là 10.350 tỉ đồng (đạt 124% so chỉ tiêu). Thế nhưng, nguồn thu được để lại cho địa phương cân đối 100% chỉ chiếm khoảng 5%. Các nguồn thu chiếm tỉ lệ cao lại không thuộc thẩm quyền của địa phương như thuế xuất nhập khẩu, hoạt động cảng biển. 

Sự hạn chế về nguồn lực này khiến Thành phố Thủ Đức khó chủ động trong sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, tính hấp dẫn cũng như tốc độ phát triển chung của Thành phố Thủ Đức.

Cần nhiều thẩm quyền để phát triển

Bí thư Thành ủy Thành phố Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cho biết, để Thành phố Thủ Đức phát triển như kỳ vọng còn rất nhiều việc phải thực hiện chứ không phải một sớm, một chiều.

Theo ông Hiếu, Thành phố Thủ Đức cần được đầu tư về nhân lực, ngân sách và đặc biệt cơ chế, chính sách để phát huy thế mạnh vốn có, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng mới cho địa phương.

Trong các nhiệm vụ, Bí thư Thành phố Thủ Đức cho biết, việc đầu tiên phải rà soát lại, xin Trung ương điều chỉnh quy hoạch tổng thể để tạo những lợi thế về không gian phát triển mới. Trên nền tảng đó, Thủ Đức mới kêu gọi, xúc tiến đầu tư, thực hiện bồi thường, thu hồi đất để lập ra các dự án quy mô lớn, tạo sức hút đầu tư, giá trị gia tăng mới. Với những khu vực đã quy hoạch, thành phố phải tiếp tục đầu tư, đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh...

Ngoài ra, để phục vụ người dân, doanh nghiệp và động lực phát triển mới, lãnh đạo Thành phố Thủ Đức mong có những chức năng, nhiệm vụ và được phân cấp, ủy quyền giải quyết nhanh công việc hơn.

“Chúng tôi đang xin TPHCM giao cho Thủ Đức quản lý toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn và địa phương sẽ thành lập một trung tâm để quản lý” - ông Hiếu nói.

Với các cơ chế thuộc thẩm quyền Trung ương, hiện UBND TPHCM đã lập ra các tổ công tác phối hợp viện nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp rồi cả các chính quyền địa phương xây dựng dự thảo cơ chế đặc thù cho Thành phố Thủ Đức trình Trung ương. Ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, Thành phố Thủ Đức có đủ dư địa, không gian, dân số, tính chất hoạt động kinh tế xã hội, các thành phần để hoạt động của một mô hình chính quyền cấp tỉnh.

- PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM, nhìn nhận cần sớm xây dựng cơ chế đặc thù cho Thành phố Thủ Đức để biến tiềm năng thành cơ hội thực. 

“Thành phố Thủ Đức nên có cơ chế đặc thù mang tính chất thí điểm cho một đô thị loại một trong một đô thị đặc biệt (TPHCM). Quyền lợi phải tương đương với tỉnh, thành, nhưng phải xác định đây là thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và không thể vượt qua giới hạn này” - ông Ngân nói.

- Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên về quy hoạch đô thị, để Thành phố Thủ Đức phát triển xứng tầm, cần một nguồn vốn khổng lồ mà TPHCM chưa chắc đáp ứng được, phải có nguồn ngân sách Trung ương và các nguồn vốn xã hội hóa khác. Một mình TPHCM không đủ, cần sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ Xây dựng, GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính…

“Thành phố Thủ Đức là cực Đông của TPHCM, đóng vai trò là lõi kết nối TPHCM với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… Vì vậy, việc đầu tư hạ tầng giao thông không chỉ phục vụ cho riêng thành phố này mà phải mang tính kết nối liên vùng. Phải phát triển trong tương quan kết nối vùng, mới thuyết phục được Trung ương cấp vốn ngân sách để đầu tư về hạ tầng kết nối” - ông Sơn phân tích. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn