MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Tiến. Ảnh: Kh.V

Thanh tra Bộ NN&PTNT nói về vụ 3 doanh nghiệp dùng soda làm nước mắm

Khánh Vũ (thực hiện) LDO | 14/01/2020 15:39

Thông tin về 3 doanh nghiệp vi phạm an toàn thực phẩm, sử dụng soda công nghiệp để tạo nguyên liệu chế biến nước mắm thực sự gây choáng váng đối với người tiêu dùng trong những ngày sát Tết. Ngày 14.1, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Tiến đã dành cho Báo Lao Động buổi phỏng vấn về vụ việc này.

Thưa ông, ông có thể cho biết cụ thể vi phạm của 3 doanh nghiệp đã sử dụng soda công nghiệp để sản xuất nước mắm? Soda công nghiệp có phải là chất cấm không? Việc sử dụng soda công nghiệp trong sản xuất nước mắm sẽ bị quy vào hình thức xử lý nào?

- Soda công nghiệp không phải là chất cấm, vẫn được bán và lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, đây là soda công nghiệp nên không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, cụ thể là không được sử dụng trong sản xuất nước mắm. Việc 3 doanh nghiệp (theo báo cáo của thanh tra là Công ty TNHH CBTP Hòa Hiệp, Công ty TNHH thực phẩm Tấn Phát, Công ty TNHH MTV Điều Hương-PV) có hành vi sử dụng nguyên liệu là hóa chất công nghiệp soda Na2CO3 để sản xuất nước mắm là hành vi gian lận thương mại.

Từ nguồn tin báo của nhân dân qua đường dây nóng của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với kết quả trinh sát của lực lượng công an, khi đồng loạt kiểm tra đột xuất của lực lượng thanh tra liên ngành, chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu tại chỗ, dừng sản xuất, niêm phong tất cả sản phẩm đã sản xuất ra và vật tư. Sau khi xem xét, bàn bạc thì ngày 6.6.2019 đoàn công tác thống nhất chuyển hồ sơ cho cơ quan an  ninh để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguyên liệu từ nước bột ngọt được “khử” qua sôđa công nghiệp để sản xuất nước mắm. Ảnh: Kh.L

Sau khi chuyển hồ sơ cho cơ quan an ninh xong, ngày 13.6.2019, cơ quan an ninh đã có văn bản đề nghị Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục phối hợp xác minh thêm, lấy mẫu một số sản phẩm trên thị trường bị nghi ngờ, mã hóa và gửi mẫu cho Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy các chỉ số kim loại nặng và những chỉ số khác đều ở ngưỡng quy định. Cục An ninh kinh tế thấy không có đủ căn cứ để xử lý hình sự nên đã đề nghị với Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xử lý hành chính. Phải nói rằng, quyết định xử phạt hành chính đối với 4 đơn vị này với số tiền 782 triệu đồng là số tiền xử phạt rất lớn, việc xử phạt rất nghiêm túc. (Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, một đơn vị khác là Công ty Liên Thành không sử dụng soda công nghiệp nhưng vẫn bị xử phạt 6 triệu đồng vì không có tấm che tách khu sản xuất với cống khi bị triều cường-PV).

Thưa ông, các tang vật vi phạm đã được lực lượng kiểm tra liên ngành xử lý như thế nào? Trong 6 tháng qua kể từ khi phát hiện vụ việc, lực lượng thanh tra liên ngành có giám sát, kiểm tra hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vi phạm này?

- Bên cạnh việc xử phạt hành chính, chúng tôi yêu cầu 3 đơn vị có sử dụng soda công nghiệp phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Sau quá trình xử lý, các đơn vị này đã chấp hành nghiêm túc, số tiền đã nộp đủ vào kho bạc Nhà nước, đã chấp hành dừng sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm. Các đơn vị này không thể sử dụng sản phẩm này (chất soda công nghiệp) bởi chúng tôi đã niêm phong tất cả.

Để kiểm tra việc chấp hành, đầu năm 2020, ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý, chúng tôi sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành tái kiểm tra lại hoạt động và các sản phẩm đã niêm phong của các cơ sở đã vi phạm.

Tại sao các sản phẩm được sử dụng sai mục đích không bị tịch thu, tiêu hủy, thưa ông?

- Đây không phải là chất cấm, vẫn được bán trên thị trường nên không thể tịch thu, tiêu hủy. Hành vi này của các doanh nghiệp chủ yếu là gian lận thương mại. Bởi nếu sản xuất nước mắm, thì phải làm chượp, ủ chượp một thời gian dài mới làm nguyên liệu sản xuất nước mắm được. Nhưng các cơ sở này đã dùng nước của sản xuất bột ngọt của nước này (có tỉ lệ đạm rất nhỏ), cho chảy qua bể chượp chủ yếu là bã, bổi tôm để lấy mùi tanh. Do rất chua nên họ phải dùng soda công nghiệp để khử chua trung hòa vị, sau đó cho chất tạo màu và đun tách thủy phân, cô đặc đạt độ đạm 30-35 độ, từ đó bán cho các cơ sở chế biến nước mắm.

Khi các đơn vị này đang triển khai thực hiện thì bị phát hiện  và xử lý. Chúng tôi sẽ xem xét sẽ xử lý nghiêm nếu sản phẩm  sai mục đích lọt ra thị trường. Nếu các chỉ số trên ngưỡng sẽ phải xử lý hình sự.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn