MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng thu giữ nhiều cò giả để bẫy chim trời. Ảnh: Lê Phi Long

Tháo gỡ, tiêu huỷ hàng ngàn chim mồi giả, dụng cụ bẫy chim trời

LÊ PHI LONG LDO | 22/10/2023 13:42

Toàn tỉnh Quảng Bình đã tổ chức 436 cuộc kiểm tra; tháo gỡ, tiêu hủy và xử lý 8.520 chim mồi giả; 17.641m lưới; 67.807 que nhạ; 3 lùm, lán ẩn nấp; 6 máy phát tín hiệu... để bẫy chim trời.

Ngày 22.10 Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian qua lượng kiểm lâm địa bàn đã tham mưu UBND cấp xã tổ chức kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi sử dụng các loại dụng cụ để săn, bắn, bẫy, bắt trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư và tổ chức thu gom, tháo gỡ các dụng cụ tại các khu rừng, đồng ruộng...

Qua đó ngăn chặn kịp thời và hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới chấm dứt tình trạng săn, bắt, vận chuyển, mua bán trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư tạo các nơi trú ngụ an toàn của các loài chim.

Kết quả, toàn tỉnh đã tổ chức 436 cuộc kiểm tra; tháo gỡ, tiêu hủy và xử lý 8.520 chim mồi giả, 17.641m lưới; 67.807 que nhạ; 3 lùm, lán ẩn nấp; 6 máy phát tín hiệu; đã thả về môi trường 127 chim mồi sống.

Đã phát hiện và xử lý 1 đối tượng có hành vi sử dụng cò giả và que dạ để bẫy bắt chim hoang dã, di cư; tịch thu tang vật và xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền 3 triệu đồng.

Cò giả được thu gom để xử lý. Ảnh: Lê Phi Long

Tuy nhiên, theo dự báo trong thời gian tới, tình hình săn, bẫy, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư tại các địa phương sẽ gia tăng và diễn biến phức tạp.

Trước tình hình trên, nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm các địa phương và các Đội Kiểm lâm cơ động - Phòng cháy, chữa cháy rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, bẫy, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; tổ chức kiểm tra, gỡ bỏ các thiết bị bẫy bắt chim hoang dã, di cư trên địa bàn.

Mục tiêu là hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới chấm dứt tình trạng săn, bắt, bẫy, vận chuyển, mua bán trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; tạo nơi trú ngụ an toàn của các loài chim.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, từ tháng 6.2022 đến nay, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tổ chức 974 cuộc tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh cơ sở; tổ chức 12 cuộc, lớp tuyên truyền trực tiếp tại thôn, bản với 260 lượt người tham gia; lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp, hội nghị.

Bên cạnh đó, đã tổ chức tuyên truyền và ký cam kết về việc không mua, bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp với 130 cơ sở nuôi, nhà hàng, quán ăn, cơ sở chế biến, kinh doanh liên quan đến động vật hoang dã.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình, qua công tác theo dõi, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện bệnh dịch có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư lây lan, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, gia súc, gia cầm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn