MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn bộ 17 đoàn tàu metro số 1 được nhập từ Nhật Bản về TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Tháo "nút thắt" để tuyến metro số 1 về đích cuối năm 2023

MINH QUÂN LDO | 09/05/2022 06:59

TPHCM - Nhập khẩu thành công 17 đoàn tàu và ký phụ lục hợp đồng số 19 để khôi phục đào tạo lái tàu là những bước tiến mới của tuyến metro số 1 để “về đích” cuối năm 2023.

Hai “nút thắt” được tháo gỡ

Một năm rưỡi kể từ tháng 10.2020, toàn bộ 17 đoàn tàu metro đã được nhập từ Nhật Bản về TPHCM và đưa về depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức). Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM chính thức chuyển sang các giai đoạn vận hành thử nghiệm tàu.

Mặc dù tiến độ đưa các tàu từ Nhật Bản về thành phố chậm trễ 5 tháng, nhưng đây là nỗ lực đáng ghi nhận của Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR – chủ đầu tư) và nhà thầu trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020.

Ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó MAUR cho biết, sau khi toàn bộ tàu được nhập về, nhà thầu sẽ đẩy nhanh việc lắp đặt trang thiết bị, hệ thống thông tin, tín hiệu, hệ thống an toàn... để phục vụ công tác thử nghiệm, đánh giá và nghiệm thu.

Các đoàn tàu metro số 1 được đặt vào đường ray ở depot Long Bình. Ảnh: Anh Tú

Theo kế hoạch, trong năm nay, tàu metro số 1 sẽ được chạy thử trước ở depot Long Bình, sau đó từ khu vực này đến ga Bình Thái, rồi chạy trên toàn tuyến, từ depot đến ga Bến Thành (quận 1).

Song song với hoạt động thử nghiệm, công tác đào tạo lái tàu metro số 1 cũng diễn ra.

Trước đó, lớp đào tạo 58 học viên lái tàu của tuyến metro số 1 khai giảng hồi tháng 7.2020. Kế hoạch đào tạo chia làm hai giai đoạn, kéo dài khoảng 15 tháng. Học viên sẽ học lý thuyết, thực hành tổng quát tại Trường Cao đẳng Đường sắt. Sau đó, trong 58 học viên chọn 10 người giỏi nhất đưa sang Nhật để đào tạo chuyên sâu về kỹ năng, thực hành.

Tuy nhiên, do phụ lục hợp đồng số 19 (gồm công tác đào tạo lái tàu, nhân viên điều độ, trưởng ga...) chưa được ký, từ cuối năm 2020, liên danh NJPT (tư vấn chung tuyến metro số 1) tạm ngưng các dịch vụ đào tạo.

Đến cuối tháng 4 vừa qua, MAUR và liên danh tư vấn NJPT đã ký phụ lục hợp đồng số 19 hơn 1.600 tỉ đồng.

Sau khi hợp đồng được ký, liên danh tư vấn NJPT bắt đầu khởi động lại việc đào tạo học viên, chuẩn bị nhân sự vận hành tuyến metro số 1. "Các học viên đang được mời trở lại lớp học và dự kiến công tác đào tạo sẽ hoàn tất sau khoảng một năm" - ông Nguyễn Quốc Hiển nói.

Vướng mắc trong thủ tục giải ngân

Mặc dù tuyến metro số 1 sắp về đích nhưng vẫn còn vướng mắc trong thủ tục giải ngân. Cụ thể, tuyến metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng, trong đó vốn ODA chiếm hơn 38.200 tỉ đồng, gồm hơn 14.333 tỉ đồng vốn cấp phát và gần 23.932 tỉ đồng vốn vay lại. Còn lại, gần 5.500 tỉ đồng là vốn đối ứng từ ngân sách TPHCM.

Đến nay, vốn ODA từ Trung ương cấp phát cho tuyến metro số 1 đã được giải ngân hơn 10.340 tỉ đồng, giá trị vốn còn lại chưa giải ngân là hơn 3.987 tỉ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án chỉ là 1.704 tỉ đồng (đạt 43% nhu cầu).

UBND TPHCM đã nhiều lần kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét giải ngân số vốn ODA cấp phát còn thiếu là 2.283 tỉ đồng nhưng vẫn chưa được chấp thuận.

Tuyến metro số 1 hiện đạt hơn 90% tổng khối lượng công việc. Ảnh: Anh Tú

Bên cạnh đó, sự cố gối cầu bị rơi ra ngoài tại trụ P14-10 thuộc đoạn trên cao tuyến metro số 1 (phát hiện ngày 30.10.2020) và sau đó thêm 5 gối cầu khác bị xê dịch nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận nguyên nhân cuối cùng.

Sở GTVT TPHCM đánh giá sự chậm trễ này gây tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thi công, chất lượng công trình và phát sinh khiếu kiện, khiếu nại của các nhà thầu liên quan. Do đó, mới đây Sở GTVT TPHCM đề nghị MAUR chỉ đạo tư vấn và nhà thầu khẩn trương giải quyết dứt điểm sự việc, đảm bảo chất lượng và tiến độ của công trình.

Ngoài các khó khăn trên, Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 (HURC1 - đơn vị vận hành metro số 1) hiện hết kinh phí để duy trì hoạt động. Việc này khiến công ty không đảm bảo hoạt động ổn định và có đủ nhân sự để tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ theo tiến độ của dự án xây dựng.

Theo MAUR, hiện UNBD TPHCM đang giao Sở Tài chính tham mưu phương án bố trí kinh phí cho công ty HURC1 bảo hoạt động trong giai đoạn chuẩn bị vận hành, khai thác thương mại tuyến metro số 1.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn