MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu Tổ hợp Ga Ngọc Hồi (thuộc dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi) vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang, trở thành bãi chăn thả bò tự do nhiều năm nay. Ảnh: Lan Nhi

Thấp thỏm sống bên dự án nghìn tỉ đình trệ nhiều năm

Đặng Tiến - Lan Nhi LDO | 08/09/2022 14:22

Được phê duyệt từ năm 2004, nhưng đến nay Dự án tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi (tuyến đường sắt số 1 - Hà Nội), bao gồm xây 2 cầu đường sắt mới vẫn chưa xây dựng. Trong khi cơ quan chức năng đang loay hoay chọn vị trí chính xác để xây cầu thì người dân từng ngày sống khốn khổ trong khu vực dự án treo đi qua...

Chờ đợi hết năm này qua năm khác, thế nhưng khu Tổ hợp Ga Ngọc Hồi (thuộc dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi) vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang, trở thành bãi chăn thả bò tự do,  khiến đời sống của người dân tại đây chật vật vì mất kế sinh nhai. 

Mòn mỏi chờ đợi

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ không xuyên tâm qua ga Hà Nội.

Tổ hợp ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 151,8ha với tổng diện tích 171ha, nằm cách ga Hà Nội khoảng 13km theo hướng QL1A về phía Nam, được xây dựng vừa là nhà ga trung chuyển, vừa là khu depot (nơi lập tàu, tập kết tàu, thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tàu và các tác nghiệp kỹ thuật khác). Dự kiến đây sẽ là depot lớn nhất Việt Nam, tàu khách tuyến quốc gia sẽ dừng ở ga này để giảm ách tắc cho nội đô thay vì dừng ở ga Hà Nội như hiện nay.

Nhận thầu lại một phần khu đất bỏ hoang để làm trang trại chăn nuôi, ông Vũ Văn Hoàn (thôn Nhị Châu, xã Liên Ninh) cho biết, dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi đã "treo" nhiều năm nay, khiến đời sống của bà con trong thôn rất khó khăn. Thuê lại khu đất với số tiền 30 triệu đồng/năm, thế nhưng gia đình ông Hoàn nhiều khi cũng rất ngán ngẩm với cảnh ngập nước, trồng trọt, chăn nuôi mất mùa triền miên. Việc thu hồi ruộng đất nhưng chưa triển khai dự án đã khiến cho đời sống của không ít người dân bị ngưng trệ, họ buộc phải đi làm các nghề khác để mưu sinh. 

Mòn mỏi chờ đợi được đền bù, bà Đỗ Thị Thuý (sinh năm 1954, thôn Nhị Châu) cũng buồn bã khi nhắc đến khu đất ruộng đã thu hồi nhưng chưa triển khai dự án Tổ hợp ga Ngọc Hồi. Chỉ ra đám ruộng cỏ mọc um tùm đã bỏ hoang nhiều năm nay, bà Thuý chua xót nói: “Cả đời làm nông mà giờ phải đi mua gạo ăn, trong khi ruộng đồng lại bỏ hoang”. 

"Do kinh tế chính của người dân ở đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, việc ruộng đất thu hồi nhưng để hoang hoá như vậy thì rất lãng phí, có hộ còn tận dụng để làm nơi chăn thả trâu bò. Có 4 sào ruộng thì hiện tại đã thu hồi, vợ chồng tôi cũng chật vật, hằng ngày phải đi chở vật liệu xây dựng, dỡ nhà thuê để kiếm sống. Dự án thì treo, ruộng vẫn bỏ không, người dân mất kế sinh nhai, mấy năm nay không có ruộng cấy khiến chúng tôi cũng rất đau đầu " - bà Nguyễn Thị Hằng (SN 1968, thôn Nhị Châu) chia sẻ. 

Chỉ mong đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện dự án

Một diễn biến mới nhất liên quan đến dự án này là mới đây Bộ GTVT cho biết, sẽ phối hợp với  Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan di dời cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia như Ga Hà Nội, Ga Giáp Bát để bàn giao mặt bằng cho Hà Nội triển khai thực hiện Dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi. 

Nhiều người dân sinh sống tại đây đều mong muốn dự án nhanh chóng triển khai để người dân bớt khổ. Thậm chí họ còn kỳ vọng vào dự án, mong muốn cơ quan chức năng, chủ đầu tư sớm có phương án để người dân có thể ổn định, thoát khỏi tình cảnh sống bên quy hoạch treo. Vì nếu như dự án được triển khai nhanh chóng thì rất có thể khu vực xung quanh sẽ được hưởng lợi, phát triển tiện ích, hạ tầng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Thành Trung (Trưởng thôn Nhị Châu, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) cho rằng, việc dự án treo đã lâu, chưa triển khai nhiều năm nay cũng khiến đời sống của người dân gặp khó khăn, trở ngại. Dù người dân tại đây rất ủng hộ nhưng theo ông Trung, việc để đất hoang hoá như vậy thì rất lãng phí, trong khi nhân dân muốn tăng gia sản xuất cũng không thể làm được.

"Ở thôn Nhị Châu có khoảng 59 hộ chưa được bồi thường, nhiều người dân vì không có ruộng nên phải đi làm thuê, tìm việc khác kiếm kế sinh nhai, cuộc sống bị đảo lộn ít nhiều" - ông Trung thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn