MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đóng cửa hơn một tháng nay để phòng dịch, hàng nghìn lao động ở đây phải xoay đủ nghề để mưu sinh. Ảnh: NT

Thất nghiệp vì dịch, lao động tại các khu du lịch xoay đủ nghề để mưu sinh

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 15/06/2021 16:14

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các khu, điểm du lịch tại Ninh Bình đã phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động khiến hàng nghìn lao động tại đây lâm vào cảnh thất nghiệp. Để có thu nhập, duy trì cuộc sống họ phải xoay đủ nghề để mưu sinh qua mùa dịch.

Nhân viên lái đò thất nghiệp đi gặt lúa thuê để kiếm sống

Ninh Bình được biết đến với nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Đầm Vân Long, Vườn chim Thung Nham... mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan. Nhờ đó đã tạo việc làm và mang lại thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương.

Chỉ tính riêng tại Khu du lịch sinh thái Tràng An và Khu du lịch Tam Cốc - Bính Động có khoảng gần 5.000 lao động làm nghề chèo đò phục vụ khách du lịch với mức thu nhập bình quần từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Nhân viên lái đò đi gặt lúa thuê mưu sinh qua mùa dịch. Ảnh: NT
Tuy nhiên, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, khách nước ngoài không sang Việt Nam du lịch, khách trong nước giảm. Đặc biệt, từ đầu tháng 5.2021 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã có thông báo tạm dừng hoạt động đón khách tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để phòng dịch thì 100% lái đò ở đây trở thành thất nghiệp. Để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống, hàng nghìn lái đò ở đây phải xoay đủ nghề để mưu sinh.

Anh Nguyễn Quốc Việt (lái đò tại Khu du lịch sinh thái Tràng An) cho biết: Hai vợ chồng anh làm nhân viên lái đò tại đây đã hơn 10 năm nay, thu nhập bình quân mỗi tháng của 2 vợ chồng đạt từ 12 đến 16 triệu đồng. Từ khi dịch bùng phát, khu du lịch phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, 2 vợ chồng anh trở thành thất nghiệp. Để có tiền lo cho cuộc sống và con cái học hành hơn một tháng nay 2 vợ chồng anh xin đi theo các chủ máy gặt ở làng bên để gặt lúa thuê cho người dân.

Gặt lúa thuê tuy vất vả nhưng cũng mang lại thu nhập để trang trải cho cuộc sống. Ảnh: NT
"Mỗi ngày công chỉ được từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng như vậy cũng tạm đủ để lo cho gia đình, tuy nhiên chỉ khoảng 2 tuần nữa là hết mùa gặt vợ chồng tôi cũng đang tính đi xin vào các công trình xây dựng để làm phụ hồ lấy tiền trang trải cho cuộc sống" - anh Việt chia sẻ.

Tìm việc làm thêm cho nhân viên mùa dịch

Chị Đỗ Thị Thu Lý, Giám đốc điều hành khu du lịch Hang Múa (xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, Ninh Bình), cho biết: Trước đây, người lao động có việc làm ổn định, thu nhập hàng tháng từ 4-6 triệu đồng, các chế độ BHXH, BHYT được công ty hỗ trợ đóng. Thời điểm hiện tại, khu du lịch tạm đóng của không có thu nhập, các chế độ của người lao động cũng phải tạm ngừng.

Người lao động tại Khu du lịch Hang Múa thu hoạch sen để làm trà sen. Ảnh: NT
Theo chị Lý, những nhân viên làm việc ở khu du lịch đều làm việc lâu năm nên đã quen với công việc chính là phục vụ trong nghề du lịch. Khi bị thất nghiệp, nhiều người khó tìm kiếm được công việc khác. Nhằm tạo điều kiện cho mọi người có thêm thu nhập, chị Lý đã tìm kiếm và tạo thêm việc làm cho nhân viên trong mùa dịch.

Theo đó, tại khu du lịch Hang Múa có diện tích đất trồng trồng sen lớn để phục vụ du khách chụp ảnh. Vì khu du lịch phải đóng cửa nên không ai đến "check in", các nhân viên được tạo điều kiện đến thu hoạch và ướp trà sen để bán kiếm thêm thu nhập.

Sen sau khi thu hoạch sẽ được dùng để ướp trà. Ảnh: NT
"Những nhân viên đến lao động, công ty sẽ ghi lại ngày công và chi trả tiền lương hàng ngày cho mọi người. Số tiền thu nhập tuy không cao nhưng mọi người đều vui mừng vì trong lúc thất nghiệp lại có được việc làm, có thêm thu nhập để đảm bảo cuộc sống, dù công việc làm tuy có vất vả hơn bình thường" - chị Lý chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn