MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuộc sống khó khăn của những hộ dân sống ở mép sông Hồng. Ảnh: PV

Thấy bắn pháo hoa mới biết Tết về ở xóm Phao trên sông Hồng

Phạm Đông - Thái Hà LDO | 17/01/2020 07:30

Cuộc sống của người dân xóm Phao như tách biệt hoàn toàn với nhịp sống sôi động ở nội thành.  Khi pháo hoa rực sáng trong đêm giao thừa náo nhiệt giữa lòng TP.Hà Nội, người dân xóm Phao (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên)  mới biết  năm mới đã đến.

Khi nhìn thấy pháo hoa lúc đó mới biết đã sang năm mới

Men theo con đường đất ngoằn ngoèo, chạy xuyên qua bãi chuối xanh mướt dưới chân cầu Long Biên, chúng tôi đến thăm xóm Phao giữa vùng sóng nước sông Hồng. Trong không khí nhộn nhịp những ngày cận Tết Nguyên đán, xóm nghèo tựa như một “thế giới” khác với gần 20 túp lều hiu quạnh, nằm chơi vơi trên sông Hồng.

Cuộc sống của người dân xóm Phao như tách biệt hoàn toàn với nhịp sống sôi động ở nội thành. Thứ duy nhất để kết nối họ với thế giới bên ngoài chính là những chiếc cầu tre lắt lẻo, đã mục dần theo thời gian.

Đường vào xóm nghèo với gần 20 túp lều nằm chơi vơi trên mép sông Hồng.

Gọi là xóm Phao vì phần lớn những túp lều tại đây đều được gá tạm vào những miếng xốp, thùng phuy đã hoen rỉ. Bờ bao tạm bợ, vá víu bằng đủ loại chất liệu nhưng cũng không thể ngăn nổi những cơn gió lạnh ngoài sông thốc vào từng đợt, buốt giá.

Chiếc cầu tre lắt lẻo, đã  mục theo thời gian là sợi dây kết nối người dân với cuộc sống thường nhật.

Vừa thắp nén nhang trên bàn thờ gia tiên, ông Lê Huy Thắng (sinh năm 1953, quê ở Hải Dương), ở xóm Phao, ngậm ngùi tâm sự: “Mình có thể không có Tết, cuộc sống có thể sơ sài một chút nhưng việc thờ tự thì vẫn phải thành kính".

Tết ở đây cả xóm đều tối đen như mực, chỉ khi nào nghe người ta bắn pháo hoa thì chúng tôi mới biết là đã sang năm mới”.

Ông Thắng sắp sửa lại bàn thờ tổ tiên của gia đình những ngày cuối năm.

Theo ông Thắng, Tết Nguyên đán người ta thấy vui nhưng người dân ở đây lại càng cảm thấy nhớ nguồn cội nhiều hơn. Ngày Tết cũng như ngày bình thường, mọi người vẫn lên bãi trồng rau, trồng hoa màu, ra sông đánh cá, nuôi thêm vài ba con chó cho vui nhà, vui cửa.

Với ông Thắng, sống trên sông Hồng nhiều khi khổ đủ đường. Các hộ dân chỉ mong năm mới mưa thuận gió hòa, nước sông đừng dâng lên đột ngột, vợ chồng, con cái hòa thuận là hạnh phúc lắm rồi.

Cuộc sống của các hộ dân sống ở đây khó khăn đủ đường.

Khát khao về cuộc sống mới

Ngày Tết cũng như ngày thường, ở xóm Phao người già vẫn tất bật làm lụng, hôm trồng rau, khi đánh cá, lúc nhặt ve chai để kiếm thêm thu nhập. Người trẻ thì bận rộn với công việc làm thuê cho các xí nghiệp bánh kẹo trong thành phố.

Hơn nửa đời người phiêu bạt trên sông, Tết đến xuân về, người dân xóm Phao chỉ mong ước sang năm mới cuộc sống sẽ có phần khấm khá hơn. Họ mơ sắm được một cái mỏ neo để những ngày tháng sau này được yên vị trước những đợt lũ hung bạo trên sông Hồng.

Tết đến, người dân xóm Phao chỉ mong ước sang năm mới cuộc sống sẽ có phần khấm khá hơn.

Dẫu không có cành đào, cây quất, mâm cao cỗ đầy, không sung túc như bao gia đình khác, nhưng dù đón Tết ở đâu, người dân xóm Phao mỗi phút, mỗi giây họ đều nhớ về nguồn cội. Dù chỉ có một nhành cúc vạn thọ, vài thức quả dân dã, mâm cơm cúng tất niên giản dị để tỏ lòng biết ơn đến công sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên... Ngày Tết Nguyên đán của họ giản đơn như vậy với một vị rất riêng, vị “bồng bềnh” trên sông bên cạnh những tất bật mưu sinh chưa bao giờ dừng lại.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Trưởng xóm Phao thì hơn 20 gia đình ở xóm này đến từ nhiều tỉnh thành, đa phần ở phía Bắc, họ đã về đây sinh sống được khoảng 30 năm, ban đầu chỉ là lác đác 1, 2 hộ nhưng về sau đông lên như hiện nay.

Với các hộ dân ở đây thì ngày Tết cũng giống như ngày thường.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Quốc Văn - Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: Hằng năm, vào dịp Tết cổ truyền, phường cùng với Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên đã nhiều lần tới thăm hỏi, động viên, tặng bánh chưng cho các gia đình cư trú tại xóm Phao. Mặc dù về lâu dài chưa có chính sách để giúp đỡ người dân lên bờ sinh sống nhưng chính quyền địa phương vẫn sẽ hỗ trợ người dân ăn tết mỗi năm. 

Cũng theo ông Văn, Ủy ban phường cũng rất mong muốn các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm trên địa bàn thành phố Hà Nội cùng chia sẻ, quan tâm hơn nữa để người dân trong xóm có những ngày Tết đầm ấm, hạnh phúc hơn.    

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn