MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hệ thống cây xanh ở Bờ Hồ có giá trị rất lớn về mặt văn hóa, tâm linh, đa dạng sinh học. Ảnh: Ánh Ngọc

Thay cây xanh Hồ Gươm: Dân Hà Nội lo "cuống cuồng", hóa ra hiểu nhầm

Đặng Chung LDO | 05/07/2017 17:35
Trong khi việc đề xuất chặt hạ, di dời 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) chưa hết “nóng” vì vấp phải phản ứng mạnh mẽ của người dân cũng như các chuyên gia, thì mới đây dư luận lại tiếp tục bất ngờ trước thông tin liên quan đến việc thay mới cây xanh quanh hồ Hoàn Kiếm. Trả lời về thông tin này, đại diện UBND Hoàn Kiếm khẳng định không có nội dung thay thế cây xanh trong dự án xây dựng, cải tạo chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Dân bất bình nghe tin thay cây xanh Hồ Gươm

Mới đây, Bộ Xây dựng có công văn góp ý về dự án đầu tư xây dựng cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Bộ Xây dựng nhận thấy bản vẽ hiện trạng cây xanh trong dự án sơ sài, phương án thay thế cây mới cần chỉ rõ từng vị trí (có bảng thống kê, phân loại, đánh số chủng loại cây; vị trí, ký hiệu các loại cây và lập hồ sơ cho từng cây phục vụ công tác quản lý), yêu cầu chủng loại cây phải đồng nhất trên trục tuyến đường, trong khu vực vườn hoa.

Trước thông tin này, người dân, các chuyên gia hiểu là “Hà Nội đang có phương án thay thế cây xanh quanh hồ Hoàn Kiếm” và bày tỏ sự bất bình. Nhiều người cho rằng việc này là lãng phí và không cần thiết, ảnh hưởng đến cảnh quan quanh Hồ Gươm. Vì hệ thống cây xanh ở đây không chỉ có giá trị văn hóa, sinh học mà còn gắn bó với nhiều thế hệ, người dân Hà Nội, đi vào nghệ thuật, nhiếp ảnh, thơ ca.

Trả lời về vấn đề đang được dư luận quan tâm, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, những đóng góp của người dân, các chuyên gia cảnh quan, kiến trúc về dự án xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm là rất đáng trân trọng.

“Tuy nhiên, căn cứ vào hồ sơ thiết kế đã được công bố, công khai tại triển lãm dự án, nội dung “Giải pháp cải tạo chỉnh trang, nâng cao giá trị cảnh quan cây xanh” có 21 bản vẽ /117 bản vẽ toàn hồ sơ. Toàn bộ dự án không có phương án thay thế cây xanh, mà chỉ thiết kế thảm cỏ, vườn hoa... cho đồng bộ và theo chủ đề từng khu vực” - đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết.

Trong thiết kế, cây ngả xuống hồ vẫn giữ nguyên, thiết kế lối đi dạo vòng qua để giữ nguyên hiện trạng cây xanh và an toàn cho người đi bộ. Ảnh: UBND quận Hoàn Kiếm cung cấp.

Phía quận Hoàn Kiếm cũng khẳng định, trong dự án đã mô tả chi tiết các loại cây hoa, lá màu, nhưng sau khi nhận được ý kiến của Bộ Xây dựng về việc làm rõ “phương án thay thế cây mới”, phía quận sẽ bổ sung hoàn chỉnh theo quy định để có thiết kế thi công chi tiết hơn, trong đó không có nội dung thay thế cây xanh hiện có trong phạm vi triển khai dự án xây dựng, cải tạo chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Không có cây xanh không còn là Bờ Hồ 

Thời gian qua, liên tục có những ý tưởng khác nhau được các tác giả đưa ra để “thử nghiệm” ở Hồ Gươm. Từ việc làm “đại lộ danh vọng”, dựng mô hình khỉ Kong 3D, đến việc đúc tượng rùa vàng. Ngay khi đề xuất được đưa ra đã vấp phải sự phản đối của người dân và các chuyên gia. Bởi quanh hồ Gươm có nhiều di tích có giá trị di sản tâm linh được người dân ngưỡng vọng, kể cả hệ thống cây xanh ở đây, cũng có dấu ấn lịch sử.

Hệ thống cây xanh góp phần tạo nên giá trị, vẻ đẹp cho không gian Hồ Gươm. Ảnh: B.H

“Hệ thống cây xanh ở Hà Nội có từ năm 1980, khi Pháp quyết định lấy Bờ Hồ làm trung tâm. Họ đã nghiên cứu rất kỹ, rồi mới tiến hành trồng. Tại sao họ lại trồng cây vàng anh, cây lộc vừng ở sát bờ Hồ, bởi những cây đó thích nghi với nước. Những cây xanh như lộc vừng, cây gạo, cây xà cừ ở đây đều trên 100 tuổi. Mất bao nhiêu năm mới có được những cây cho bóng mát như thế.

Hơn nữa, Bờ Hồ là di tích lịch sử, là trái tim của Hà Nội. Nó có giá trị về văn hóa, gắn bó với nhiều thế hệ người dân. Hình ảnh người dân ngồi ghế đá ngắm cảnh, bên cạnh gốc cây gạo đã trở thành những hình ảnh đẹp trong ký ức của nhiều người, ít nơi nào có được.

Ngoài ra, các cây xanh ở Bờ Hồ có giá trị đa dạng sinh học rất cao. Có hàng trăm loài cây. Nếu thay cây mới sẽ không còn là Bờ Hồ nữa. Các thế hệ sau này muốn chỉnh trang gì thì cũng phải giữ được giá trị đó” -  chuyên gia Lê Huy Cường, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp nêu quan điểm.

Ông Lê Huy Cường cũng cho rằng, ở quanh Bờ Hồ hiện nay có rất nhiều công trình không phù hợp với cảnh quan, như tòa nhà "hàm cá mập", các công trình cơi nới, lấn chiếm không gian tại khuôn viên vườn hoa đền Bà Kiệu, cải tạo các kiốt, nhà vệ sinh… Những việc đó cấp bách hơn nhiều.

Theo đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, bất cứ ý tưởng, đề xuất nào liên quan đến hồ Hoàn Kiếm đều phải hết sức thận trọng. Hiện nay việc quy hoạch, chỉnh trang các công trình quanh Bờ Hồ là bài toán rất khó, phải đảm bảo không xúc phạm về mặt tâm linh, văn hóa. Theo ông, mỗi ý tưởng liên quan đến không gian ở Bờ Hồ, cần phải lấy ý kiến rộng rãi, vì đây là di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn