MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường THCS Tân Thành (Nghệ An), nơi xảy ra vụ việc GV bị đánh gãy sống mũi do tát HS. Ảnh: VH

Thầy cô bị đánh, bị xúc phạm: Bạo lực đẻ ra bạo lực?

HẢI ĐĂNG LDO | 18/03/2018 07:15
Thời gian vừa qua, xảy ra một số vụ việc giáo viên bị phụ huynh đánh đập, xúc phạm nhân phẩm. Xã hội lên án mạnh mẽ các hành vi xúc phạm đó, nhưng các thầy cô, ngành giáo dục cũng phải tự xem lại mình.

Vụ việc cô giáo phải quỳ gối vì sức ép từ phụ huynh ở Long An, hành vi của phụ huynh là trái đạo lý, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm nhà giáo. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, cái sai lại đến trước, từ phía cô giáo.

Là nhà giáo, ai cũng phải nắm được các quy định của ngành liên quan đến ứng xử, kỷ luật học sinh (HS). Ngành giáo dục không có quy định kỷ luật, phạt HS bằng hình thức quỳ gối; nên việc áp dụng là sai, cho dù mục đích là để trẻ ngoan. Buộc HS phạm lỗi phải quỳ trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến trẻ.

Sự việc anh trai học sinh và một thành niên khác vào trường đánh thầy giáo gãy sống mũi ở Nghệ An cũng tương tự. Hành vi đánh người gây thương tích đang được công an điều tra. Tuy nhiên, cái sai cũng đến trước từ phía thầy giáo.

Việc HS đốt giấy trong lớp, rồi cự cãi thầy chủ nhiệm là sai trái. Nhưng việc thầy tát em này trước nhiều bạn khác cũng không được phép. Luật Giáo dục nghiêm cấm nhà giáo xâm phạm thân thể, nhân phẩm người học. Nhiều HS bị đau và đặc biệt bị ảnh hưởng tâm lý từ những hành vi có tính chất bạo lực của GV.

Dù sao sự việc đáng tiếc cũng đã xảy ra. Nhưng “giá như” GV biết mềm mỏng hơn, kiên trì hơn, phối hợp với nhà trường, phụ huynh tốt hơn thì sự việc có thể đã rẽ sang hướng khác một cách tốt đẹp.

GV cần được quán triệt, rèn luyện nhiều hơn về kỹ năng kiềm chế, mềm mỏng thuyết phục, cảm hóa HS, thay vì sử dụng quyền lực. GV phải mẫu mực với nguyên tắc phi bạo lực trong ứng xử sư phạm.  

Việc HS vô lễ, quậy phá cũng thường tình. Các em còn chưa trưởng thành, chưa ngoan nên cần được dạy dỗ, giáo dục. Tuy nhiên, cần xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp, quy định cụ thể trong việc giáo dục các HS “cá biệt”, không thể để GV đơn độc.

GV có nhiệm vụ giảng dạy môn học được phân công, chứ không phải là người quản lý về trật tự, xử lý các tình huống HS đánh nhau, quậy phá, vô lễ… Do đó, cần xác định trách nhiệm của Ban giám hiệu, Hội cha mẹ HS, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương và gia đình trong việc giáo dục những HS “cá biệt”.

Nếu cứ để tình trạng không chặt chẽ, thiếu rõ ràng, đẩy GV vào tình thế một mình đối mặt với nhiều HS chưa ngoan thì sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng bức xúc, bạo lực, hoặc buông xuôi, mặc kệ. Cả hai tình huống đó đều là sự thất bại của giáo dục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn