MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuông reo liên tục, cán bộ trạm y tế phải mở loa ngoài để nghe máy vì điện thoại quá nóng. Ảnh: Tùng Giang

Thay đổi cách xác định F1: Điện thoại y tế phường liên tục reo

Phạm Đông - Tùng Giang LDO | 06/01/2022 07:41

Hà Nội - Đường dây nóng tại các cơ sở thu dung, trạm y tế các phường thuộc thành phố liên tục tiếp nhận các cuộc gọi từ người dân hỏi về việc xác định F1 sau khi Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn về đối tượng tiếp xúc F0.

Đường dây nóng liên lục “nóng”

Trong ngày 5.1, điện thoại của Trạm Y tế phường Thanh Xuân Trung (Quận Thanh Xuân) liên tục báo bận. Lý do vì có rất nhiều người dân trong phường gọi điện trình báo, hỏi về việc xác định F1 và các biện pháp hỗ trợ
Lo lắng do làm việc cùng 1 trường hợp F0 ở công ty, anh V.H (45 tuổi) gọi điện ra y tế phường Thanh Xuân Trung. Nhân viên y tế giải thích, theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, chỉ khi anh tiếp xúc da thịt, ôm hôn hoặc tiếp xúc với F0 trong vòng dưới 2m... thì y tế phường mới xác định F1. Anh H được xác định là "người liên quan" do khoảng cách tiếp xúc với F0 hơn 2m, thời gian tiếp xúc ngắn nên phường không có quyết định cách ly, anh chỉ phải ở trong nhà theo dõi 7 ngày và "hạn chế tiếp xúc". 

Khi số ca nhiễm COVID-19 tăng cao kéo theo số lượng F1 (tiếp xúc gần F0) tăng theo. Mỗi ngày, chị Nguyễn Linh Ngân – nhân viên y tế tại Trạm y tế Ngọc Thụy (Long Biên) cùng các đồng nghiệp đều phải xoay vòng xử lý cuộc gọi, báo cáo, cập nhật số liệu F0, F1 mới.

Khi cuộc gọi này vừa dứt, chuông điện thoại của trạm lại vang lên. Người ở đầu dây bên kia nếu là F1 sẽ hỏi kết quả xét nghiệm PCR, quy định cách ly y tế. Còn nếu là F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng, cán bộ y tế sẽ hướng dẫn việc cách ly tại nhà. 

Nhân viên y tế phường Ngọc Thuỵ giải thích cho người dân về phân loại F1

Mỗi ngày, đường dây nóng Trạm y tế phường Ngọc Thuỵ nhận hàng trăm cuộc gọi của người dân hỏi về các vấn đề liên quan đến xét nghiệm, cách ly và tình trạng của bản thân là trường hợp liên quan hay F1.

Đối với các trường hợp F1, chị Ngân cho biết dựa theo điều tra dịch tễ người dân khai báo và theo quy định mới của Bộ Y tế từ đó Trạm sẽ gửi giấy thông báo cách ly về tổ dân phố để tiện theo dõi và cách ly. Cũng theo chị Ngân, kể từ khi Bộ Y tế thay đổi về định nghĩa F1, y tế địa phương liên tục nhận được cuộc gọi để giải thích và phân loại F1. 

Tương tự, tại quận Đống Đa, trung bình mỗi ngày qua, nhân viên y tế phường Ô Chợ Dừa thay phiên xử lý khoảng 1.000 cuộc gọi, nội dung hướng dẫn người dân khai báo, thông báo kết quả xét nghiệm hoặc tư vấn điều trị F0, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm...

Bà Trần Thị Lan Hương – Điều dưỡng phụ trách Trạm y tế lưu động phường Ô Chợ Dừa cho biết, đường dây nóng của y tế phường luôn nóng, chuông reo liên tục khiến các cán bộ y tế phải vất vả xử lý. Để tiện lợi hơn, số điện thoại của mỗi nhân viên y tế phường đều được công khai để người dân liên hệ y tế 

Tuy nhiên, nhân lực tại phường khá mỏng (8 nhân viên y tế) trong khi dân số hơn 40.000. Để đảm bảo công việc, 8 nhân viên y tế đã chia 4 ca để trực đêm, còn ban ngày làm việc từ sáng đến tối mịt. Những ngày quận Đống Đa là vùng cam, không ai về nhà trước 17h, theo giờ hành chính.

Bà Trần Thị Lan Hương trao đổi với Lao Động.

“Trung bình mỗi nhân viên y tế đang phải phụ trách khoảng 10 người bệnh. Khi hết ca làm việc, nhân viên y tế khi về nhà vẫn phải theo dõi, trực đường dây nóng để kịp thời hỗ trợ người dân, người bệnh”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, hiện địa bàn phường có hơn 200 ca F0 đang trong quá trình cách ly điều trị. Do các ca mắc COVID-19 tăng cao, phường đã huy động đội ngũ y tế từ các bệnh viện tư, các trường học, và cán bộ y tế nghỉ hưu quay trở lại hỗ trợ chống dịch.

Người dân cần hiểu cho đúng, đẩy đủ thế nào là F1

Bà Đồng Thị Thủy – Trưởng trạm Y tế phường Ngọc Thụy cho rằng, quy định mới về F1 giúp khoanh vùng sát hơn, phân loại chính xác người có nguy cơ, thực sự tiếp xúc gần với ca nhiễm. Từ đó, ngành y tế sẽ triển khai các biện pháp khoanh vùng, truy vết hiệu quả hơn.

Ngoài phát thuốc cho F0, nhân viên y tế liên tục nhận cuộc gọi từ F1.

Theo bà Thuỷ, việc xác định F1 này đã được các chuyên gia, ngành y tế trong và ngoài nước đánh giá chặt chẽ dựa trên cơ sở khoa học. Việc thu hẹp yêu cầu xác định F1 không phải bỏ sót, mà thực tế chỉ là đang cho phép một số người vẫn có thể tiếp tục với các hoạt động sinh hoạt, làm việc bình thường khi tiếp xúc ca F0 mà ít yếu tố nguy cơ.

"Trước đây khi trong nhà có F0 thì cả nhà đều là F1, đều bị giăng dây cách ly. Nhưng nếu áp dụng quy định này trong thời điểm hiện nay sẽ gây ra rất nhiều khó khăn. Việc thu hẹp định nghĩa F1 là hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay" – bà Thuỷ nhấn mạnh.

Một chuyên gia y tế cho rằng, nếu chỉ đọc lướt qua quy định "Bắt tay - ôm hôn - tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể F0 mới coi là F1" sẽ khiến người dân hiểu sai về vấn đề. Bởi đây chỉ là một trường hợp để xác định F1, ngoài ra còn 3 trường hợp khác đã được nêu cụ thể ở công văn của Bộ Y tế. Từ đó, việc đăng tải thiếu thông tin khiến người dân rất dễ hiểu lầm. 

"Nhiều người đọc hiểu sai, chỉ nghĩ những người bắt tay, ôm hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể F0 mới là F1. Vậy lâu nay những trường hợp F1 khác là sai,... hoàn toàn là không đúng theo cách định nghĩa mà Bộ Y tế ban hành", vị chuyên gia nói.

Theo đó, 3 trường hợp khác gồm có: Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2m hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0; Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2m hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0; Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn