MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thấy gì sau vụ lũ lụt kinh hoàng tại bản Sa Ná, Thanh Hoá?

Quách Du LDO | 21/08/2019 09:42

Những năm qua, tình trạng lũ lụt, lở đất có diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, vừa qua trận lũ kinh hoàng tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Vậy giải pháp nào để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra?

Nguyên nhân của trận lũ

Theo đó, chiều ngày 20.8, tại huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), đã diễn ra hội nghị rút kinh nghiệm ứng phó mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 và giải pháp khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai khu vực miền núi. Hội nghị do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quách Du 

Tại hội nghị, rất nhiều ý kiến của đại diện Trung ương và địa phương được đưa ra, nhằm tìm ra những kinh nghiệm, giải pháp trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai tại khu vực miền núi.

Hội nghị với sự tham gia của các ban ngành Trung ương và địa phương. Ảnh: Quách Du

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bản Sa Ná, xã Na Mèo (nằm ven suối Son) bắt nguồn từ thượng Lào. Con suối có độ cao lưu vực lớn, dốc cao dẫn đến lũ tập trung nhanh tạo nên lũ quét.

Cùng với đó, lòng suối Son bị co hẹp và mở rộng tạo ra nút thắt, nghẽn dòng tạo thành đập tự nhiên, vào mùa mưa lũ, tại bản Sa Ná thường xuyên xuất hiện tình trạng ngập nước.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Trong đó, công tác dự báo, cảnh báo chưa sát với thực tế, các địa phương chưa rà soát, đánh giá khu dân cư đảm bảo an toàn với lũ quét, sạt lở đất.

Trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế. Đơn cử, như thời điểm bản Sa Ná bị cô lập, thông tin liên lạc bị mất và phải 2 ngày sau, lực lượng chức năng mới tiếp cận được hiện trường.

Biện pháp phòng chống lũ

Cũng tại hội nghị, Ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, những năm gần đây, tình hình lũ quét và sạt lở đất là mối quan tâm rất lớn đối với các địa phương trên cả nước. Đặc biệt, vừa qua trận lũ tại bản Sa Ná đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Ông Trần Quang Hoài khảo sát tại bản Sa Ná sau trận lũ. Ảnh: Quách Du 

Vậy nên, trước khi xảy ra thiên tai, các địa phương cần tập trung khơi thông các khu vực có nguy cơ nghẽn dòng, lắp đặt trạm đo mưa và thiết bị cảnh báo tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

"Đồng thời rà soát các nơi ở, địa điểm sơ tán có phương án di dân đến nơi an toàn. Củng cố lực lượng xung kích, bố trí trang thiết bị liên lạc và cứu hộ, cứu nạn kịp thời, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra”. – ông Hoài cho biết.

Mặt bằng khu tái định cư bản Sa Ná đang được triển khai gấp rút. Ảnh: Quách Du

Ông Vũ Văn Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết, sau khi xảy ra trận lũ, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương đã khẩn trương vào cuộc tìm kiếm các nạn nhân và khắc phục hậu quả do lũ.

“Để sớm ổn định đời sống cho bà con, hiện nay, huyện Quan Sơn đang khẩn trương san lấp mặt bằng, xây dựng khu tái định cư mới cho người dân bản Sa Ná. Dự kiến đến 31.11, sẽ hoàn thiện khu tái định cư để bà con có thể chuyển nhà đến khu ở mới”- ông Đạt chia sẻ.

Trước đó, như Báo Lao Động đã thông tin, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Trong đó, có 16 người chết và mất tích, riêng huyện Quan Sơn có 13 người chết và mất tích, 35 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập hoàn toàn. Ước tính thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh là gần 1 nghìn tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn