MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thày Lại Cao Nguyện đã công tác hơn 50 năm trong ngành giáo dục, ngôn ngữ học. Ảnh: PV

Thầy Lại Cao Nguyện duyên nợ với chữ Hán Nôm

Phạm Đông - Lan Nhi LDO | 02/01/2021 18:15
Ở tuổi 92, nhà giáo Lại Cao Nguyện (nguyên chủ nhiệm khoa Trung - Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) vẫn miệt mài nghiên cứu, biên soạn nhiều đầu sách tham khảo, sổ tay Hán Nôm; ông coi đây là mối duyên nợ cuộc đời. Thầy là một trong bốn “tứ trụ” của thư pháp Việt Nam hiện đại. Với thầy Nguyện, việc cho chữ đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt. Mỗi chữ được họa trên giấy tựa như những “hạt ngọc” gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của người viết.

“Tứ trụ” thư pháp Việt

Trong căn nhà bày trí khá đơn giản trên phố Mai Dịch, nhà giáo Lại Cao Nguyện tâm huyết kể chúng tôi nghe về nét đẹp cho chữ đầu xuân. Sống ở tuổi xưa nay hiếm, do sức khỏe đã giảm đi nhiều nên mấy năm gần đây, thầy rất ít khi tiếp khách lạ. Chỉ những cô cậu học trò, thế hệ sau yêu mến con chữ, muốn tìm hiểu về nghệ thuật Thư pháp viết bằng chữ Hán Nôm thì thầy không ngần ngại dành thời gian và tận tình chia sẻ.

Thầy Nguyện là bậc túc nho, học chữ Hán từ năm lên 6 tuổi, tham gia kháng chiến, sau 3 năm tu nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ học tại Trung Quốc. Năm 1956, ông về làm việc tại Khoa Sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội do GS Ngụy Như Kontum làm hiệu trưởng. Khi đó, GS Trần Đức Thảo - Chủ nhiệm Khoa Sử và GS Đào Duy Anh chủ nhiệm bộ môn Cổ sử Việt Nam. Qua nhiều năm công tác, thầy Nguyện lần lượt về làm việc tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó là Trưởng khoa tiếng Trung - Trường Đại học Ngoại Ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho đến khi nghỉ hưu.

Là một trong bộ “tứ trụ” thư pháp Việt Nam hiện đại gồm Thanh Hoằng Khê Lê Xuân Hòa, Lỗ Công Nguyễn Văn Bách, Vĩnh Nguyên Lại Cao Nguyện, Nam Ba Cầm Văn Cung Khắc Lược, thầy Nguyện là một thư pháp gia có phong thái trầm ngâm, học thức uyên bác, am hiểu sâu rộng về chữ Hán Nôm. Từng nét chữ thầy viết trong những dịp đầu xuân năm mới tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) đều toát lên “thần khí” riêng, cuốn hút người nhìn. Yêu chữ và trân quý sự học, thầy Nguyện thường dành nhiều thời gian của bản thân để “truyền nghề”, dạy chữ cho những ai say mê môn học có phần hoài cổ này.

“Nghệ thuật thư pháp viết bằng chữ Hán Nôm đòi hỏi người viết phải rất tinh tế, có cái tâm, cái tầm. Có nét chữ nhẹ nhàng như gió thoảng, hiền từ mà thoát tục. Có nét mạnh mẽ, kiên cường như để trấn tà, xóa tan ngay cái ác, cái dữ khi chưa kịp khởi sinh trong tâm... Không chỉ là thú vui tao nhã thường thấy, bộ môn nghệ thuật này còn là nơi để các Thư pháp gia chuyển tải những triết lý phương Đông, gửi gắm nỗi niềm, tâm tình, nhân sinh quan sâu sắc” - thầy Nguyện bộc bạch.

Học thư pháp, chữ Hán Nôm chưa bao giờ là thừa

Qua từng nét họa chữ trên trang giấy, các nhà thư pháp xưa thường tâm niệm, cho chữ là cho niềm vui, may mắn và khát vọng tương lai. Câu nói “Cho bạc, cho vàng không bằng dẫn đường chỉ nẻo” cũng hàm ý như vậy. Những con chữ đầu năm mang nhiều hy vọng về một năm mới thuận buồm xuôi gió, vạn sự hanh thông, tài lộc dồi dào. Mỹ tục chữ đầu xuân ấy tựa như một lời chúc tụng tốt đẹp nhất dành cho tất cả mọi người. Đây cũng là lý do mà nghệ thuật thư pháp vẫn được chú trọng gìn giữ, là nét đẹp “không thể thiếu” mỗi dịp Tết đến xuân về.

Nhận thấy được tầm quan trọng đó, thầy Nguyện đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ Thư họa Thăng Long, sau này, Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam đã đứng ra đổi tên thành Câu lạc bộ UNESCO Thư pháp Việt Nam - tổ chức đầu tiên về nghệ thuật thư pháp tại nước ta do thầy Lại Cao Nguyện làm chủ tịch. Không chỉ gây dựng phong trào thư pháp Hán Nôm sôi nổi dịp đầu xuân hằng năm, tiên phong trong việc thiết lập “nền móng” đào tạo thư pháp cho thế hệ trẻ, dưới sự dẫn dắt của thầy Nguyện, nhiều hoạt động triển lãm, hội thảo, đặc san, thư pháp Hán Nôm đã được tổ chức, gây được nhiều tiếng vang lớn

Hoạt động gần 20 năm nay, Câu lạc bộ UNESCO Thư pháp Việt Nam đã và đang không ngừng pháp triển. Tổ chức luôn tìm cách mở rộng mô hình, trao dần “nét bút - nghiên mực” cho lớp trẻ đầy tài năng và triển vọng. Sau này, “Nhân Mỹ học đường” được thành lập chính là cái nôi nhằm bồi dưỡng kiến thức về thư pháp, các giá trị văn hóa truyền thống thông qua ngữ liệu Hán Nôm cho thế hệ trẻ cũng là vì lẽ đó.

Mỗi lần cắt nghĩa từng chữ trong những bức thư họa treo tường, thầy Nguyện đều xúc động. Ông nhắc nhở, việc học thư pháp và chữ Hán Nôm chưa bao giờ là thừa, nhất là đối với những người đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, tìm hiểu về ngôn ngữ dân tộc. Viết chữ là rèn tâm, rèn người. Đặc biệt, toàn bộ tư liệu viết bằng chữ Hán Nôm, bao gồm các thư tịch, châu bản, sắc thần, hương ước, câu đối, hoành phi cổ... đều là di sản văn hóa thành văn, là nguồn thông tin, văn hóa phong phú của các bậc tiền nhân đi trước để lại cho thế hệ sau.

Nhìn bàn tay của người thầy giáo già, các đầu ngón tay quặp lại bám đều vào thân quản bút mới thấy cả một quá trình khổ công tập luyện để có được nét chữ bay lượn trên vuông giấy điều Theo thầy Nguyện, người học Thư pháp phải cầm bút bằng cả năm ngón tay mới phát huy được hết cái “thần”, cái “khí chất” riêng. Thế mới thấy, để đạt được công phu trong bất kỳ nghề nghiệp nào cũng cần sự hy sinh, và tinh thần khổ luyện.

Nhiều năm gò lưng trên vuông giấy đỏ, thầy Nguyện chỉ mong muốn có thể tập hợp được nhiều thế hệ yêu thích Thư pháp. Từ đó nhân rộng lên thành phong trào, thành nét sinh hoạt văn hoá phổ biến không chỉ mỗi dịp Tết đến xuân về. Với thầy, Thư pháp Việt có phong vị rất riêng, nó giúp người ta không chỉ rèn tâm mà còn gợi nhớ về cội nguồn để hiểu sâu hơn về bản sắc dân tộc mình. Từ đó thấy được mối quan hệ nhân sinh, lối sống văn hóa , tạo nền tảng sinh ra những người trọng đạo, hiếu học - nguồn lực hiền tài để xây dựng và bảo vệ Quốc gia.

Là chủ biên, dịch giả của nhiều đầu sách tham khảo như: Cuốn từ điển Hán - Việt, sổ tay từ Hán - Việt, Sơ yếu Lịch sử Văn hóa Nguyên thủy... thầy Lại Cao Nguyện vẫn hằng ngày miệt mài nghiên cứu, nhiều năm giúp đỡ các thế hệ sinh viên yêu mến tìm hiểu về nghệ thuật viết chữ Hán Nôm. Thầy cũng phối hợp cùng với những chuyên gia gia đầu ngành, cán bộ hoạt động trong Viện Hán Nôm, khoa Ngôn Ngữ học tại các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước để cố vấn, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, triển lãm, đối thoại trưng bày chữ Hán Nôm, thu hút nhiều bạn trẻ đến tham quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn