MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc quyết định dùng thẻ tín dụng không chỉ nằm ở sự tiện dụng hay các chương trình ưu đãi mà nằm ở phương pháp quản lý chi tiêu. Ảnh: Đức Mạnh

Thẻ tín dụng không đáng sợ, quan trọng ở cách dùng

Đức Mạnh LDO | 27/03/2024 12:22

Nhiều người e ngại việc dùng thẻ tín dụng sẽ khiến chi tiêu quá mức, từ đó rơi vào vòng xoáy nợ nần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, người dùng hoàn toàn có thể tận dụng các ưu đãi khi những chương trình này của thẻ tập trung nhiều vào khoản chi thiết yếu hằng ngày như đi siêu thị, đóng học phí, đóng bảo hiểm...

Thẻ tín dụng dần trở nên phổ biến

Theo thống kê từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cả nước hiện có hơn 140 triệu thẻ thanh toán, trong đó có 10,2 triệu thẻ tín dụng. Giá trị giao dịch qua thẻ tín dụng năm 2023 đạt trên 1 triệu tỉ đồng.

Thẻ tín dụng giờ đây không chỉ phục vụ khách hàng có thu nhập cao mà cả khách hàng trung lưu, khách hàng đại trà.

Bà Nguyễn Hồng Thanh - Trưởng Tiểu ban chính sách Chi hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - chỉ ra hàng loạt lợi ích của thẻ tín dụng. Trong đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế chi tiêu tiền mặt, minh bạch cho nền kinh tế.

Đối với người tiêu dùng, thẻ tín dụng giúp thanh toán mọi lúc, mọi nơi. Người tiêu dùng có thể đặt hàng online, đặt đồ ăn giao hàng tại nhà, đặt phòng khách sạn du lịch nước ngoài. Thẻ tín dụng còn mang lại lợi ích, như khoản cung cấp tín dụng, cho khách hàng chi tiêu trước, trả sau...

Tuy nhiên đây cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi trong tiêu dùng.

Trao đổi với Lao Động, ThS Phạm Thế Thành - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhấn mạnh, thẻ tín dụng có thể tạo ra thói quen chi tiêu vượt quá khả năng thanh toán. Nguyên nhân xuất phát từ tính tiện lợi của thẻ cũng như đơn vị phát hành thẻ thường có rất nhiều chương trình tặng quà, chiết khấu khi mua hàng qua thẻ tín dụng để hấp dẫn khách hàng.

"Mỗi người nên thanh toán hết dư nợ cuối kỳ sao kê theo thông báo của ngân hàng để đảm bảo không phát sinh lãi. Nếu không đủ tiền để trả hết một lần thì ít nhất phải đảm bảo mức thanh toán tối thiểu của kỳ sao kê đó để tránh phát sinh phí trả chậm. Lãi áp dụng khi khách hàng chậm thanh toán các khoản nợ thẻ tín dụng rất cao, có thể lên tới trên 30%/năm tùy nhà băng" - ông Thành cho hay.

Nên quẹt thẻ tín dụng trong trường hợp nào?

Theo bà Trần Thị Mai Hân - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại CTCP FIDT, ngay khi nhận được thu nhập, việc đầu tiên cần làm là trích ra khoản tiết kiệm. Sau đó, phần còn lại dành nên được phân loại thành chi tiêu thiết yếu và khoản chi nhu cầu.

Với các khoản chi tiêu thiết yếu, dù chi bằng tiền mặt hay bằng thẻ vẫn không khiến chúng ta tiêu hoang hơn. Do đó, bạn có thể dùng thẻ tín dụng, miễn sao nhớ được thời hạn thanh toán (ngân hàng phát hành sẽ có email, tin nhắn nhắc nhở về việc này). Chưa kể, các chương trình ưu đãi của thẻ tập trung khá nhiều vào các khoản chi thiết yếu như đi siêu thị, đóng học phí, đóng bảo hiểm.

"Càng dễ dàng với chi tiêu thiết yếu bao nhiêu, chúng ta càng phải cẩn trọng bấy nhiêu khi dùng thẻ tín dụng để thanh toán cho các khoản chi hưởng thụ. Một số bí kíp để hạn chế các khoản chi này là định sẵn ngân sách tối đa không vượt quá 15% thu nhập, hoặc chờ đợi thêm một vài ngày để chắc chắn về sản phẩm, dịch vụ chọn mua và dùng tiền mặt thay vì dùng thẻ để hạn chế mua sắm chỉ vì tiện lợi.

Như vậy, nếu là một người quản lý chi tiêu tốt, biết phân bổ ngân sách hợp lý cho chi tiêu thiết yếu và chi tiêu nhu cầu, người dân hoàn toàn có thể tận dụng những lợi thế do thẻ tín dụng mang lại và hạn chế những điểm bất cập của việc dùng thẻ. Để tạo thành thói quen chi tiêu và trả nợ đúng hạn, nên bắt đầu với một thẻ, hạn mức có thể từ 1 - 2 lần thu nhập theo tháng của mình.

Về việc lựa chọn loại thẻ nào, khách hàng nên xem khoản chi nào chiếm tỉ trọng lớn trong ngân sách để lựa chọn thẻ có ưu đãi đối với lĩnh vực đó" - bà Hân lưu ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn