MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thêm 9 địa phương được xem xét bổ sung vào quy hoạch tổng thể về sân bay

Trí Minh LDO | 09/12/2022 09:50
Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT về kết quả làm việc với 10 địa phương về đề nghị bổ sung quy hoạch các sân bay trên địa bàn vào Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam chủ động thành lập các đoàn công tác do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam làm trưởng đoàn tổ chức làm việc với 10 địa phương về việc bổ sung cảng hàng không mới trong Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không.

Đây là cơ sở tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Quy hoạch sân bay tiếp tục được bổ sung một số địa phương. Ảnh: Khánh Linh.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ông Đinh Việt Thắng cho biết, từ ngày 9.11 đến ngày 18.11.2022, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không đã phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với UBND của 10 tỉnh trong thời gian vừa qua có đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT bổ sung quy hoạch các sân bay nhỏ trên địa bàn.

Theo đó, đoàn công tác đã nêu rõ kết quả nghiên cứu, đánh giá về khả năng bố trí, quy hoạch cảng hàng không; phân tích, đánh giá nhu cầu để UBND các tỉnh xem xét.

Đến nay, đã có 5 địa phương là Hà Giang, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Tây Ninh có ý kiến chính thức bằng văn bản và 5 địa phương là Tuyên Giang, Sơn La, Yên Bái, Đắk Nông, Khánh Hòa chưa có ý kiến chính thức bằng văn bản

Trước đó vào tháng 4.2022, khi trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không, Bộ GTVT đã liệt kê 6 tiêu chí quan trọng để 1 sân bay có thể được đưa vào quy hoạch, gồm: sản lượng hàng hóa; nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (tăng trưởng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); nhu cầu đảm bảo quốc phòng - an ninh (chiến lược, dự phòng chiến lược); nhu cầu đáp ứng hoạt động khẩn nguy, cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không…); cự ly tiếp cận (100 km đối với sân bay đồng bằng và 200 km đối với sân bay miền núi). Đây là cơ sở để tránh lãng phí về nguồn lực và cũng là cơ sở để các nhà đầu tư tư nhân có thể định lượng hiệu quả trong trường hợp các sân bay được đầu tư theo hình thức PPP.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong quá trình làm việc, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không đã nhận được sự đồng thuận cao của các địa phương về khả năng bổ sung sân bay trên địa bàn vào Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không toàn quốc. Kết quả rà soát sơ bộ khả năng khai thác hàng không thương mại cũng khá tích cực đối với hầu hết các đề xuất bổ sung vào Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không toàn quốc, ngoại trừ sân bay Mộc Châu (Sơn La).

Cục Hàng không Việt Nam cơ bản thống nhất báo cáo Bộ GTVT đưa 9 địa phương đề xuất các sân bay này vào danh sách các tỉnh có tiềm năng về thị trường vận tải hàng không và kiến nghị đưa các sân bay đó vào quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn