MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhóm thợ xây bức xúc khi bị Công ty Hưng Phát nợ lương. Ảnh: PV Tây Bắc

Thêm hàng trăm thợ xây tố cáo Giám đốc Công ty Hưng Phát cắt liên lạc, nợ lương

Nhóm PV Tây Bắc LDO | 04/03/2024 08:07

Hoà Bình - Liên quan đến vụ việc Công ty TNHH Thương mại và Phát triển xây dựng Hưng Phát (Công ty Hưng Phát) “xù” lương hơn 100 người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Báo Lao Động tiếp tục nhận được tố cáo của 14 nhóm thợ xây (khoảng 200 người) về hành vi có dấu hiệu lừa đảo, chậm trả tiền công nhân của doanh nghiệp này.

14 nhóm thợ xây không được thanh toán

Ngày 23.2, Báo Lao Động đăng tải bài viết "Hơn 100 thợ xây ở Hòa Bình bị công ty Hưng Phát chây ỳ nợ lương", phản ánh về việc dù đã gần đến Rằm tháng Giêng, nhưng hơn 100 thợ xây vẫn chưa thể đòi được khoản lương mà Công ty Hưng Phát nợ từ trước Tết. Trước đó, họ căng băng-rôn đòi nợ lương đến tận chiều 28 Tết mới giải tán.

Sau đó, PV tiếp tục nhận được đơn tố cáo của 14 người, đứng đầu 14 nhóm thợ (đại diện cho hơn 200 công nhân) đã từng thi công tại các công trình do đơn vị này nhận khoán phần nhân công.

Trong đơn gửi Báo Lao Động, anh P.V.K (đứng đầu một nhóm thợ) cho biết: "Ngày 9.11, tôi có ký hợp đồng giao khoán nhân công với Công ty Hưng Phát thi công hoàn thiện khối nhà số 6, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Hoà Bình, có hợp đồng kèm theo.

Trong hợp đồng ghi rõ, tổng giá trị hợp đồng tạm tính 704 triệu đồng, được chia thành 7 lần thanh toán, tương ứng với các mức hoàn thành khối lượng giao khoán".

Bản cam kết giao khoán nhân công của Công ty Hưng Phát với các nhóm tổ thợ. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, theo anh K, cho dù đã thi công xong, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được số tiền như đã cam kết. Theo thống kê sơ bộ, số tiền Công ty Hưng Phát nợ tổ thợ của anh còn hơn 500 triệu đồng.

Trước đó, ngày 7.2 (tức ngày 28 Tết), tôi có yêu cầu thanh toán để trả tiền cho thợ xây về ăn Tết nhưng vẫn chưa nhận được. Thậm chí, sau Tết, tôi đã nhiều lần chủ động liên lạc nhưng ông Bùi Văn Hưng - Giám đốc công ty này, không những không phản hồi mà còn chặn số điện thoại. Hiện chúng tôi không biết tìm ông Hưng ở đâu" - anh K nói.

Theo thống kê, số tiền Công ty Hưng Phát còn nợ 14 tổ thợ này là hơn 2,2 tỉ đồng.

Công trình Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, mở rộng trung tâm Công tác và Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Hoà Bình (địa chỉ phường Kỳ Sơn, TP Hoà Bình) - một trong những công trình Hưng Phát nhận thầu khoán nhân công nhưng không trả tiền lương cho công nhân. Ảnh: NVCC

Cũng theo đại diện các nhóm thợ nói trên, dù trước khi nhận công trình, họ đều yêu cầu doanh nghiệp ký kết hợp đồng rõ ràng, tuy nhiên, ông Bùi Văn Hưng đều khất lần hoặc lẩn tránh với câu nói "cứ làm đi, hợp đồng tính sau".

Sau khi thi công đến một khối lượng nhất định và yêu cầu thanh toán tiền thì đều không được thanh toán hoặc chỉ nhận được một số tiền rất ít và mất liên lạc với chủ doanh nghiệp.

Có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Nói về tình huống pháp lý của sự việc trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, hành vi nói trên của đại diện Công ty Hưng Phát có dấu hiệu của việc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thông qua giao dịch hợp pháp.

14 nhóm thợ xây gửi đơn tố cáo đến Báo Lao Động. Ảnh: PV Tây Bắc

Cũng theo vị Luật sư, theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù.

"Trong trường hợp này, người lao động cần làm đơn tố giác đến cơ quan công an, thanh tra Sở LĐTBXH và LĐLĐ tỉnh tại địa phương nơi doanh nghiệp đóng chân để nhận được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng" - Luật sư Thơm nói thêm.

Ngày 3.3, trao đổi với PV, đại diện Công an phường Kỳ Sơn, TP Hoà Bình cho hay, cơ quan công an đã đã nhận được đơn thư tố cáo của người lao động và có định hướng cho hai bên hoà giải dân sự. Tuy nhiên, sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Công trình xây dựng Trung tâm văn hóa huyện Lạc Thủy. Ảnh: PV Tây Bắc

Ông Tống Đức Chiến - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, LĐLĐ tỉnh Hoà Bình cho biết, việc sử dụng lao động không có hợp đồng và nợ lương cho thấy doanh nghiệp đã vi phạm nghiêm trọng Luật Lao động.

"Với trường hợp người lao động không thuộc tổ chức Công đoàn, Công đoàn vẫn có trách nhiệm đứng ra bảo vệ. Tuy nhiên, công nhân cần có đơn kiến nghị gửi đến Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Hoà Bình, đồng kính gửi LĐLĐ tỉnh để các cơ quan chức năng vào cuộc" - đại diện LĐLĐ tỉnh Hoà Bình thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn