MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thêm hồi chuông cảnh báo về sức khoẻ tâm thần thanh, thiếu niên

Huyên Nguyễn LDO | 01/05/2022 17:50

TPHCM - Nam sinh tại một trường đại học tại TPHCM đã tự tử tại ký túc xá. Sự việc đau lòng được phát hiện vào ngày 1.5. Thời gian vừa qua, nhiều trường hợp các bạn trẻ em tự tử đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đến sức khỏe tâm thần của trẻ.

Không giải quyết được khúc mắc

Ngày 1.5, theo xác minh của Lao Động, sáng cùng ngày, cha của nam sinh viên từ Khánh Hoà lên Ký túc xá để thăm con trai. Khi đến cổng, gọi cho con nhưng không nghe máy, người cha gặp bảo vệ trình giấy tờ xin dẫn lên phòng.

Tới phòng, cửa khoá trong, khi phá khoá vào thì thấy người con đã ra đi trong tư thế treo cổ. Bạn bè trong phòng đã về quê nghỉ lễ nên không ai phát hiện vụ việc.

Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân đến từ những khúc mắc trong đời sống không giải quyết được nên nam sinh đã có hành vi cực đoan. Vụ việc đang tiếp tục được các cơ quan chức năng làm rõ.

Chia sẻ thông tin về vụ việc, nhiều người bày tỏ đau lòng.  Bạn Nguyễn Bảo Tín bày tỏ: “Nếu các bạn có chịu nhiều stress, nhiều suy tư lo lắng, hãy đừng ngại nói ra. Nói ra với 1 ai đó sẽ giúp cảm xúc của các bạn tốt lên rất nhiều. Đừng suy nghĩ bồng bột rồi để nỗi đau cho người ở lại, không ai chịu nổi đâu”.

“Không biết có chuyện gì nhưng bỏ lại cha mẹ già như thế, nhất là người cha, nhìn thấy thi thể của con mình, còn nỗi đau nào hơn nữa”, một bạn trẻ cho hay.

Cha mẹ cần lắng nghe, đồng cảm với con

PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học cơ bản, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng ở lứa tuổi nào thì cũng đều có lo lắng, áp lực, vấn đề gặp phải riêng.

Những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực thường xuất hiện khi chúng ta cảm thấy căng thẳng hoặc không được toại nguyện. Cụ thể, các bạn trẻ thường có suy nghĩ tiêu cực khi bản thân mình đối diện với một nỗi thất vọng lớn như thi trượt, thất bại trong một công việc hay khi bị cách ly khỏi môi trường xã hội tích cực quá lâu, bị tiêm nhiễm bởi các thông tin độc hại trên mạng khiến cá nhân không dứt được khỏi những suy nghĩ thảm họa hóa vấn đề. Trong những thời khắc như vậy, các em thường nghĩ tới những giải pháp tiêu cực như trốn chạy, tuyệt vọng hay trả thù bản thân.

Trước khi tìm đến cái chết, nhiều trẻ cũng đã có những biểu hiện “bất bình thường” giống như một lời cảnh báo ví dụ sống khép mình, không muốn giao tiếp với ai, buồn bã, bỏ ăn, thích ở một mình... Một số trẻ có những lời nói tưởng chừng vu vơ, nhưng thực ra lại đang phản ánh suy nghĩ trong đầu trẻ như: “Cuộc đời này quá chán”, “Không biết ở thế giới bên kia như thế nào”, “Sống thế này thà chết đi còn hơn”...

Ông Nam nhấn mạnh rằng điều quan trọng là cha mẹ hãy luôn làm bạn, chia sẻ, quan tâm, hỏi chuyện con mình. Khi nhận ra con đang có các dấu hiệu lo âu, trầm cảm, cha mẹ có thể hỏi con: “Mẹ thấy con khác, mẹ cảm thấy lo lắng một chút. Con có thể chia sẻ có chuyện gì không?”, “Con đã bắt đầu cảm thấy như thế này từ bao giờ?”, “Cách tốt nhất để mẹ giúp con bây giờ là gì? Hay con có muốn tìm kiếm một nhà tâm lý không?”.

Cha mẹ cần khẳng định con là quan trọng và cha mẹ muốn giúp đỡ con: “Con rất quan trọng với mẹ. Mẹ sẽ luôn ở bên con, hãy nhớ như vậy”, “Có thể mẹ chưa hiểu chính xác những gì con đang cảm thấy nhưng mẹ thực sự quan tâm và muốn giúp con”; hoặc là hướng dẫn, chia sẻ cho con như: “Có thể con không tin vào điều này nhưng những gì con đang cảm nhận có thể thay đổi rất nhanh”,... Bí quyết với cha mẹ là hãy “Lắng nghe - Kết nối - Đồng cảm - Chân thành” với con.

PGS.TS Trần Thành Nam khuyên rằng: Khi nhận thấy con em mình có những cảm xúc tiêu cực, hãy ở cạnh đừng để các em một mình; trò chuyện, chia sẻ; cố gắng thuyết phục hoặc đưa con em đến gặp bác sĩ; loại bỏ các vật dụng như dao, kéo, dây thừng… để hạn chế chúng gây tổn thương cho con em mình.

Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ, người thân cũng cần học cách quản lý cảm xúc. Đôi khi vì sự cáu giận mà cha mẹ, người thân có để nói ra những lời nặng nề khiến trẻ bị tổn thương, từ đó dẫn tới hành động dại dột, thiếu suy nghĩ.

Làm chủ cảm xúc

Dành lời khuyên cho các bạn trẻ, ông Nam chia sẻ: “Các em hãy nhớ rằng suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta chỉ là tạm thời, nó có thể chỉ kéo dài vài giờ hoặc thậm chí chỉ vài chục phút. Sau đó bạn có thể cảm thấy khác đi rất nhiều. Các bạn trẻ hãy chấp nhận rằng cuộc sống có những căng thẳng và khó chịu mà mình không thể né tránh được. Hãy học cách quan sát những cảm xúc đó một cách khách quan”, ông Nam nói.

Vị chuyên gia khuyên rằng khi có suy nghĩ tiêu cực, bạn loại bỏ bất cứ thứ gì trong nhà có thể dùng để làm hại bản thân; tìm hỗ trợ: trực tiếp, trực tuyến, qua điện thoại; tránh ở một mình; tránh sử dụng ma túy và rượu.

Để cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, trẻ cũng có thể tham gia vào các hoạt động có ích cho cộng đồng, gặp gỡ những tấm gương có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn nghị lực, vươn lên trong cuộc sống. Bạn trẻ cũng nên lập trình kế hoạch rõ ràng, mục tiêu phấn đấu cho tương lai. Khi sống có ích, có mục tiêu, trẻ sẽ không còn thời gian để suy nghĩ tiêu cực và thấy cuộc sống của mình nhàm chán, bế tắc nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn