MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thông tư 33/2017/TT-BTNMT về việc thêm tên thành viên trong gia đình vào sổ đỏ có hiệu lực từ ngày 5.12.2017 (Ảnh: Internet)

Thêm tên thành viên gia đình vào sổ đỏ: Thừa giấy vẽ voi!

Dung Hà LDO | 23/11/2017 08:00
Sau khi báo Lao Động đăng bài “Thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ: Không hiểu luật và phản tác dụng” nêu quan điểm của GS Đăng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, Thông tư 33/2017/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 5.12.2017 là không cần thiết và sẽ tạo ra nhiều rối ren, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của vị giáo sư này.

“Theo tôi, ý kiến của GS Đặng Hùng Võ là rất xác đáng. Sổ đỏ là giấy tờ pháp lý để xác định tài sản chung của hai vợ chồng sau khi kết hôn, không lý gì lại gộp cả tên con cái để sau này tranh chấp gây mất đoàn kết.”, một bạn đọc nêu quan điểm.

Bạn đọc Đỗ Cao Trí băn khoăn: “Khi dùng sổ đỏ để thế chấp vay vốn ngân hàng thì tất cả các thành viên phải ký các loại giấy tờ vay vốn. Vậy nếu 1 thành viên trong gia đình ở xa, không có điều kiện về để làm thủ tục thì giải quyết như thế nào, có phải đẻ thêm thủ tục hành chính không?”.

Thậm chí một số bạn đọc còn gay gắt: “Thực hiện đã khó rồi, giải quyết hậu quả còn tắc luôn, chưa có sự quản lý nào “khôn ngoan" như thế là cùng”; “Đúng là ấu trĩ, tự dưng lại gây thêm rắc rối trong vấn đề thừa kế”; “Ai nghĩ ra chuyện này chắc là không có việc nên vẽ voi”...

Trước thông tin về việc thông tư chuẩn bị áp dụng, bạn đọc cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Bạn đọc Hoa Nguyen thắc mắc: “Bố mẹ bán nhà trả nợ, phải xin ý kiến con 2 tuổi sao?”.

“Gia đình tôi có 1 căn nhà, nhà tôi có 5 người con, tất cả đều đã lập gia đình và đang sống chung. Vậy khi cấp sổ đỏ cho tôi phải ghi tên vợ chồng tôi và tất cả con cháu gần 20 người luôn à?”,

Một bạn đọc từ Sơn La bày tỏ quan điểm: “Đã khổ càng thêm khổ bởi mỗi khi có thêm thành viên nhí, bố mẹ lại phải đi thay đổi thêm thông tin trong bìa đỏ, có nghĩa là mất thêm thời gian, tốn thêm tiền”.

“Theo tôi, thêm tên vào trong giấy tờ nhà đất là không đúng mà chỉ làm cho sự việc trở lên rắc rối mỗi khi gia đình có chuyện mất lòng xảy ra. Ví dụ cha mẹ hy sinh khổ sở bao nhiêu mới mua được căn nhà còn con chỉ ăn chơi lêu lổng có tên trong đó, cờ bạc nợ nần, bất hiếu rồi về bắt cả cha mẹ bán để trả nợ thì sao?” ý kiến của bạn đọc Nguyễn Liên.

“Vi hiến vì không phù hợp Luật Dân sự. Tài sản của gia đình do bố mẹ quyết định. Theo Luật Dân sự, chỉ khi bố mẹ chết thì tài sản mới thuộc về các con. Đây là cải cách lùi, không biết quản lý lại làm khổ dân. Quá yếu kém!”, một bạn đọc bức xúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn