MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường nơi phát hiện người đàn ông đi bắt ếch bị sét đánh tử vong. Ảnh: An Long

Thêm trường hợp đi soi ếch bị sét đánh tử vong ở Long An

An Long LDO | 21/05/2024 08:50

Sáng 21.5, thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, vào lúc 1h ngày 21.5, ông T.Q.T (46 tuổi, ngụ xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) đang đi bắt ếch tại địa bàn xã Quê Mỹ Thạnh thì bị sét đánh trúng, ngã gục và tử vong tại chỗ.

Theo thông tin, vào chiều và tối qua (20.5), mưa lớn xuất hiện nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Long An. Vào lúc tối, ông T và một nhóm người chuyên đi bắt ếch đồng đã đi từ huyện Châu Thành qua địa bàn huyện Tân Trụ bắt ếch, đến nửa đêm thì xảy ra sự việc.

Trước đó, vào ngày 3.5, trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng, ngay cơn mưa đầu mùa, một người đàn ông 37 tuổi đi bắt ếch đồng cũng bị sét đánh tử vong.

Mới đây, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, đã ký văn bản gửi các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ứng phó bảo đảm an toàn trong mùa mưa, bão năm 2024.

Văn bản nêu, tháng 5 có sự chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa trên khu vực tỉnh Long An. Thời kỳ bắt đầu mùa mưa năm nay xấp xỉ trung bình nhiều năm và hầu hết rơi vào khoảng cuối tháng 5. Đề phòng trong những cơn mưa giông có khả năng xảy ra giông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Nhằm chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trước các hiện tượng bất thường của thời tiết, nhất là trong thời điểm giao mùa thường xảy ra mưa giông, lốc, sét, mưa đá bất thường, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An (Sở NN&PTNT) đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai của các cơ quan chuyên môn để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền địa phương và người dân nắm, biết hiện tượng mưa giông, kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể xảy ra. Chủ động đề ra các giải pháp phòng tránh, ứng phó và khắc phục kịp thời các thiệt hai do thiên tai gây ra, bảo đảm an toàn, ổn định đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp gia cố, chằng chống nhà cửa bảo đảm an toàn trước mùa mưa, bão; đối với các công trình sử dụng mái tole, mái tole xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao… cần phải kiểm tra, rà soát và có các biện pháp sửa chữa, gia cường chống lật đổ, nghiêng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý đô thị trên địa bàn quản lý thực hiện kiểm tra, rà soát, có các biện pháp cắt tỉa cành, nhánh (không được đốn hạ); có biện pháp gia cường, chống đỡ cây, nhất là các cây xanh trong trường học, bệnh viện, công viên, dọc các tuyến đường giao thông, khu dân cư đông người nhằm bảo đảm an toàn; không để cây xanh ngã đổ do mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh gây thiệt hại về người, đặc biệt là tính mạng của người dân khi tham gia giao thông…

Đối với các địa phương có người dân làm nghề đánh bắt cá ở vùng cửa sông, ven biển; phối hợp Ban Chỉ huy Quân sự huyện để nắm số lượng tàu, thuyền đang hoạt động trên sông, trên biển (nếu có) kịp thời thông báo đến các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động biết được thông tin, diễn biến thời tiết, gió mạnh trên biển, mưa giông, lốc xoáy (tọa độ, vị trí hướng di chuyển) và thường xuyên giữ thông tin liên lạc với các chủ phương tiện nhanh chóng đi vào nơi trú đậu an toàn; đồng thời, thông báo cho các cấp chính quyền, nhân dân ở các tỉnh lân cận hỗ trợ cho tàu, thuyền tránh trú an toàn khi xảy ra mưa giông, lốc sét và gió giật mạnh; sẵn sàng huy động lực lượng cứu hộ, cứu nạn để chủ động ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn